An ninh bất ổn đã buộc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tổng thống Tokayev cũng đã chấp thuận để chính phủ nước này từ chức, song chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cho tới khi Nội các mới được thành lập. Trước những thách thức chính trị đặt ra, Hội đồng tối cao Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã quyết định cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực này.
Phóng viên Văn Thường, thường trú Đài TNVN tại Nga, theo dõi khu vực Nga và SNG có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Phóng viên Văn Thường: Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan bắt đầu từ ngày 2/1. Nguyên nhân ban đầu là do người dân không hài lòng với việc tăng gấp đôi giá nhiên liệu.
Các nhà chức trách đã thành lập một ủy ban của chính phủ để xem xét vấn đề này và khẳng định sẽ giảm giá nhiên liệu. Tuy nhiên, động thái này không xoa dịu tình hình, các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng ra các thành phố khác của đất nước.
Đến tối 4/1, bạo loạn và đụng độ giữa người dân được trang bị vũ khí với các lực lượng của chính phủ đã nổ ra tại một số thành phố. Người biểu tình đã chiếm giữ một số tòa nhà hành chính, tư dinh tổng thống và sân bay quốc tế ở cố đô Almaty, cố gắng kiểm soát các cơ quan truyền thông, ngắt kết nối thông tin liên lạc di động, internet và truyền hình.
Những đối tượng cực đoan thực hiện hành vi cướp bóc, phá hoại công việc kinh doanh, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người dân, cản trở công việc của nhân viên y tế và làm hư hại các phòng khám và bệnh viện.
Tất cả các tổ chức tài chính ở Kazakhstan đã bị đình chỉ hoạt động sau khi các chiến dịch chống khủng bố được tiến hành và sự gián đoạn Internet. Giao thông đường bộ và đường không bị gián đoạn, nhiều quốc gia đã huỷ các chuyến bay đi và đến Kazakhstan.
Tính đến thời điểm hiện tại, các cuộc đụng độ và xô xát đã khiến hơn 1.000 người bị thương, hơn 400 người phải nhờ đến các hỗ trợ y tế.
Trước tình hình trên, chính quyền Tổng thống Kassym-Zhomart Tokayev đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát tình hình. Trong ngày 5/1, Tổng thống đã hai lần phát biểu trên truyền hình gửi thông điệp đến người dân, kêu gọi người dân kiềm chế, không để bị kích động lôi kéo vào các cuộc biểu tình, sẵn sàng đối thoại giải quyết các vấn đề vướng mắc.
Ông Tokayev chấp thuận chính phủ nước này giải tán, song sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến khi Nội các mới được thành lập, đồng thời cũng thành lập một ủy ban của chính phủ xem xét vấn đề giá khí đốt và khẳng định sẽ giảm giá nhiên liệu. Đồng thời tình trạng giới nghiêm, tiếp đó là tình trạng khẩn cấp được áp dụng trên phạm vi toàn quốc đến ngày 19/1.
Tổng thống Kassym-Zhomart Tokayev tuyên bố nhậm chức Người đứng đầu Hội đồng An ninh của đất nước và cam kết sẽ hành động “cứng rắn tối đa” với các cuộc biểu tình bạo loạn. Cùng với đó, Kazakhstan đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) hỗ trợ nước này trong việc khắc phục "mối đe dọa khủng bố”.
Phóng viên Văn Thường:Cần phải nói thêm rằng, các cuộc biểu tình tại Kazakhstan đã nhanh chóng biến thành các cuộc bạo động và lan rộng. Ngoài ra, thời điểm diễn ra bạo loạn trùng vào kỳ nghỉ năm mới, do đó các cơ quan công quyền có phần bị động trước các diễn biến nhanh, ngày càng nguy hiểm, có xu hướng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tổng thống Kassym-Zhomart Tokayev tuyên bố rằng các cuộc biểu tình ở nước này là một hành động xâm lược từ bên ngoài. Theo nhà lãnh đạo Kazakhstan, những người tổ chức các cuộc biểu tình đã được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài.
Trước thực trạng này, Tổng thống Tokayev đã đề nghị sự hỗ trợ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Ông lưu ý rằng lời kêu gọi này là phù hợp và kịp thời.
“Hôm nay, tôi đã đề nghị người đứng đầu các nước trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) hỗ trợ Kazakhstan để vượt qua “mối đe dọa khủng bố”. Trên thực tế, đây không còn là một mối đe dọa, mà là sự phá hoại tính toàn vẹn của quốc gia và quan trọng nhất là một cuộc tấn công nhằm vào người dân”, ông Tokayev phát biểu trong cuộc họp ngày 5/1.
Thông tin cho rằng các diễn biến chính trị căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ những tính toán bên ngoài thì chỉ có phía Kazakhstan đưa ra. Tổng thống Tokayev đã ra quyết định thành lập nhóm điều tra nguyên nhân dẫn đến bất ổn đang diễn ra.
Còn dư luận quốc tế và khu vực hầu như không đề cập đến nguyên nhân cuộc khung hoảng, các nước chủ yếu bày tỏ sự quan tâm đến tình hình hiện nay, kêu gọi giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hoà bình. Nga tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình Kazakhstan, ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật và đối thoại. Các quốc gia trong CSTO bày tỏ sẵn sàng ủng hộ Kazakhstan trong khuôn khổ Hiệp ước CSTO.
Theo đó, CSTO đã quyết định cử lực lượng gìn giữ hoà bình đến Kazakhstan trong một khoảng thời gian nhất định. Nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hoà bình của CSTO ở Kazakhstan sẽ là bảo vệ các cơ sở quân sự và nhà nước, hỗ trợ ổn định tình hình.
Mỹ, Liên Hợp Quốc cho biết, đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kazakhstan, kêu gọi các nhà chức trách và những người biểu tình ở Kazakhstan kiềm chế; lên án các hành động bạo lực và hủy hoại tài sản; và kêu gọi tiến hành đối thoại đối thoại để giải quyết các vấn đề liên quan.
Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) kêu gọi thiết lập lại trật tự và hòa bình, tôn trọng các quá trình dân chủ trong đó các quyền và tự do ngôn luận; kêu gọi các bên tham gia đối thoại để đảm bảo sự ổn định của Kazakhstan. Điều này có tầm quan trọng lớn đối với toàn bộ khu vực Trung Á; đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan trong các cải cách chính trị.
Phóng viên Văn Thường: Bản thân việc CSTO cử lực lượng gìn giữ hoà bình đến Kazakhstan đã nói lên tầm quan trọng của an ninh khu vực. Kazakhstan là quốc gia lớn thứ 9 trên thế giới về diện tích, đã thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì một nền kinh tế mạnh mẽ. Kazakhstan tiếp giáp với Nga ở phía bắc và Trung Quốc ở phía đông và 3/4 quốc gia Trung Á khác ở phía Nam (Uzbekistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan). Vị trí của Kazakhstan có tầm quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế.
Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Kazakhstan năm 2020 lên tới 169,8 tỷ USD (đứng thứ 2 sau Liên bang Nga trong số các quốc gia hậu Xô Viết), giảm 2,6% so với năm 2019. Các lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế Kazakhstan là ngành công nghiệp nhiên liệu và năng lượng, luyện kim màu và kim loại đen và công nghiệp hóa chất.
Kazakhstan là quốc gia lớn nhất ở Trung Á và là nước xuất khẩu dầu khí lớn. Nga và Kazakhstan ký một thỏa thuận dài hạn từ 7/6/2002 về việc vận chuyển dầu của Kazakhstan đến các thị trường thế giới qua lãnh thổ của Nga. Phần lớn dầu được vận chuyển từ các mỏ của Kazakhstan thông qua Đường ống dẫn Caspi (do chính phủ Nga và Kazakhstan sở hữu 50%; khoảng 30-60 triệu tấn mỗi năm) và Đường ống dẫn dầu Samara (khoảng 15 triệu tấn mỗi năm).
Chắc chắn các bất ổn hiện nay sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường dầu khí, cũng như sẽ tác động đến thị trường tài chính. Giá dầu thô và tỷ giá đồng USD so với đồng RUB đã tăng trong phiên giao dịch những ngày gần đây.
Xin cảm ơn anh!