Các nhà phân tích cho rằng, liên minh cầm quyền chỉ chiếm thiểu số trong Quốc hội đã tạo ra một Chính phủ liên hiệp yếu nhất ở Thụy Điển trong hàng chục năm qua. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy quốc gia Bắc Âu vào nguy cơ bất ổn chính trị. 

Bất ổn chính trị xuất hiện sau khi đảng Dân chủ cực hữu, lớn thứ ba ở Thụy Điển và có xu hướng chống nhập cư, gia nhập liên minh trung hữu đối lập bỏ phiếu bác bỏ dự thảo ngân sách 2015 của Chính phủ. 

thuy_dien_eaet.jpgThủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven kêu gọi bầu cử sớm (Ảnh Reuters)

Thủ tướng Lofven nói rằng, ông sẽ không để đảng Dân chủ ra điều kiện và cho đây là điều không có tiền lệ trong lịch sử chính trị Thụy Điển, đồng thời cho biết Chính phủ sẽ từ chức. 

Như vậy, đây sẽ là Chính phủ có thời gian cầm quyền ngắn thứ 2 trong lịch sử Thụy Điển và cuộc bầu cử sắp tới sẽ là cuộc bầu cử trước thời hạn đầu tiên ở Thụy Điển kể từ năm 1958. 

Phát biểu trong buổi họp báo tại Stockhom ngày 3/12, Thủ tướng Lofven cho biết, Thụy Điển hiện đang trong “tình hình nghiêm trọng và rất khó khăn”. 

“Chính phủ sẽ quyết định bầu cử sớm. Điều này cho phép các cử tri lựa chọn bối cảnh chính trị mới. Họ có quyền đưa ra quan điểm, lập trường của mình. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 22/3 năm tới”, ông Lofven nhấn mạnh. 

Phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội đã thành công trong việc bác bỏ ngân sách của Chính phủ thiểu số với sự giúp đỡ của đảng Dân chủ, chính đảng từng gây bất ngờ trên chính trường Thụy Điển với vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua sau khi giành được gần 13% số phiếu bầu. 

Sự trỗi dậy của chính đảng muốn cắt giảm tới 90% lượng người nhập cư này đã đẩy Thụy Điển vào một trong những cuộc khủng hoảng chính phủ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. 

Quyền lãnh đạo đảng Dân chủ Mattias Karlsson khẳng định sẽ phản đối bất kỳ dự thảo ngân sách của chính phủ nếu nó tạo ra sự gia tăng lượng người nhập cư. 

Ông Karlsson cũng tuyên bố ủng hộ một dự thảo ngân sách do liên minh đối lập trung hữu đưa ra. 

Những bất ổn chính trị hiện nay đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Thụy Điển vốn được xem là chuẩn mực về ổn định chính trị, tài chính, trái ngược hoàn toàn với các nước châu Âu đang ngập trong nợ nần. 

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nợ chính phủ thấp và tăng trưởng khá cao của Thụy Điển sẽ giúp nước này vượt qua bất ổn chính trị. Giới phân tích cảnh báo một cuộc bầu cử mới cũng chưa chắc sẽ mang lại một Chính phủ đa số thuộc phe trung tả hay trung hữu. 

Trong khi đó, Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf cho biết, ông hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến từ cuộc bầu cử sớm vào năm sau: “Tình hình chính trị Thụy Điển đang rất phức tạp nhưng nó hoàn toàn không bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta đều mong đợi những điều tốt đẹp từ cuộc bầu cử sớm vào năm sau. Những điều tốt đẹp thường đến sau những điều tồi tệ”. 

Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/9 vừa qua, liên minh Đỏ-Xanh (đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Cánh tả) của ông Lofven giành chiến thắng với 43,7% số phiếu ủng hộ, đánh bại Chính phủ trung hữu đương nhiệm của Thủ tướng Fredrik Reinfeldt. 

Cuộc bầu cử cho thấy người dân Thụy Điển đã mệt mỏi với việc cắt giảm thuế dưới thời Chính phủ trung hữu, điều nhiều người lo ngại đã làm suy giảm hệ thống phúc lợi xã hội và giáo dục vốn nổi tiếng của nước này. 

Ngoài ra, nó cũng như làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong một đất nước vốn tự hào về sự bình đẳng của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng liên minh cầm quyền chỉ chiếm thiểu số trong Quốc hội đã tạo ra một chính phủ liên hiệp yếu nhất ở Thụy Điển trong vài chục năm trở lại đây. 

Đây là điểm bất lợi cho liên minh cầm quyền và cũng là lỗ hổng khiến quốc gia Bắc Âu này dễ rơi vào những bất ổn chính trị./.