Dự thảo ngân sách này do liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh đề xuất, trong đó yêu cầu đảo ngược một phần chính sách cắt giảm thuế do liên minh đối lập gồm 4 đảng Ôn hòa, đảng Trung tâm, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và đảng Tự do triển khai trong các nhiệm kỳ trước từ năm 2006 đến 2014.
Đảng Dân chủ Thụy Điển giành được 13% số phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua để trở thành đảng lớn thứ 3 ở Quốc hội nhưng không liên minh với đảng nào. Vì thế, trong một số trường hợp hiếm hoi, quyết định của đảng này nghiêng về liên minh nào thì tiếng nói của liên minh đó sẽ trở nên áp đảo.
Đảng Dân chủ Thụy Điển chủ trương cắt giảm số lượng người xin nhập cư đến 90% nên đang dùng quyền bỏ phiếu đối với dự thảo ngân sách năm 2015 để buộc chính phủ thắt chặt quy định nhập cư.
Chi phí cho người nhập cư vào Thụy Điển, bao gồm nhà ở, các khóa học ngôn ngữ và trợ cấp chiếm đến 1,5% ngân sách năm 2013 của nước này. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năm ngoái, Thụy Điển là nước tiếp nhận người nhập cư và người tị nạn nhiều nhất trên thế giới nếu nếu tính tương quan với dân số nước này.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, các cuộc đối thoại cuối cùng với lãnh đạo Liên minh đối lập để giải quyết những bất đồng mà đảng Dân chủ khơi mào đã không mang lại kết quả nào.
Thủ tướng Lofven cho biết, sau cuộc tranh luận ở Quốc hội hôm nay, ông có thể sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm nếu Hiến pháp cho phép. Nhưng đó chỉ là phương án cuối cùng bởi điều này chưa từng xảy ra ở Thụy Điển kể từ năm 1958.
Ông Lofven còn một phương án khác để cứu vãn cục diện, đó là gửi dự thảo ngân sách của liên minh cầm quyền trở lại ủy ban chuyên trách để sửa đổi nhằm giành lấy sự ủng hộ của một vài hoặc tất cả các đảng trung hữu.
Tuy nhiên, cơ hội thành công của phương án này rất mong manh. Ông cũng có thể sẽ từ chức để nhường đường cho một chính phủ mới nhiều khả năng không có các thành viên đảng Xanh./.