Hôm nay (16/2), hàng loạt các công ty thực phẩm danh tiếng của Anh có tên trong vụ bê bối “thịt ngựa giả thịt bò”. Mới nhất là tập đoàn khách sạn lớn nhất tại Anh Whitbread và hãng thực phẩm lớn nhất ở xứ sở sương mù Compass Group. Những kho hàng khổng lồ của các hãng thực phẩm này sẽ bị kiểm tra và giám sát chặt chẽ.

horse-meat-(1)_copy.jpg

Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh cho biết, trong tổng số hơn 2.500 mẫu thịt được kiểm nghiệm tại Anh thì có 29 mẫu chứa ít nhất 1% thịt ngựa. Cơ quan chức năng của Anh đang kiểm nghiệm thêm 900 mẫu sản phẩm nữa. Đồng thời cũng đang xem xét việc khởi tố một số công ty thực phẩm và hãng bán lẻ với cáo buộc dán nhãn sai cho các sản phẩm có chứa thịt ngựa.

Cơ quan Các vấn đề về Môi trường, Lương thực và Nông thôn có trụ sở tại thủ đô London và Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh đã thiết lập cơ chế kiểm tra và tiến hành kiểm tra bất ngờ các công ty cung ứng thịt sau khi bê bối “thịt ngựa giả thịt bò” làm rúng động thị trường châu Âu, đe dọa ngành công nghiệp chế biến thịt của châu lục. Ông Owen Partson, người đứng đầu Cơ quan Các vấn đề về Môi trường, Lương thực và Nông thôn Anh cho biết: “Đến cuối tuần tới các tất cả các công ty thực phẩm đều phải tự kiểm tra chất lượng sản phẩm của mình. Đây là trách nhiệm của các công ty thực phẩm trong kinh doanh, cũng như đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ công bố công khai những kết quả kiểm tra này”.

Trước đó, kết quả kiểm tra do hãng thực phẩm lớn nhất tại Anh Compass Group tự tiến hành đã cho thấy một lượng nhỏ ADN của ngựa trong sản phẩm của hãng  này. Một số chuyên gia trong ngành thực phẩm không mấy ngạc nhiên khi bê bối “thịt ngựa giả thịt bò” xảy ra và cho rằng nước Anh đã lơi là công tác kiểm tra thực phẩm từ năm 2007.

Trong khi đó, nhằm giải tỏa sức ép từ phía cử tri, Thủ tướng Anh David Cameron đã khiển trách gay gắt các hãng bán lẻ liên quan tới vụ bê bối này. Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đề nghị tổ chức một hội nghị cấp cao để bàn giải pháp thúc đẩy quá trình điều tra vụ việc./.