Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trực tiếp hướng dẫn việc phóng tên lửa tầm xa, có tên gọi Hwasong-17, loại vũ khí tiên tiến nhất từ trước đến nay của nước này.
Báo cáo mô tả vụ phóng là một "biện pháp răn đe chiến tranh hạt nhân mạnh mẽ". Theo lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, các lực lượng của nước này đã "hoàn toàn sẵn sàng" cho cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng với Mỹ. Về mặt lý thuyết, loại vũ khí lợi hại này có thể đưa toàn bộ nước Mỹ vào trong tầm bắn. Tuy nhiên, còn nhiều điều chưa rõ về khả năng mang tải trọng của đầu đạn hạt nhân để nhắm trúng mục tiêu của tên lửa.
Tầm bắn của tên lửa
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 25/3 đã công bố những hình ảnh cho thấy một tên lửa lớn, sử dụng nhiên liệu lỏng được phóng ra từ một bệ phóng di động tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng.
Báo cáo của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, tên lửa đạt độ cao tối đa 6.248,5 km, bay quãng đường 1.090 km trong 68 phút trước khi đáp xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Điều này gần khớp với đánh giá của các nhà giám sát Nhật Bản. Tokyo cho biết, tên lửa đã rơi trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản, cách bán đảo Oshima ở Hokkaido 150km về phía Tây. Đây là vụ thử tên lửa cao nhất và xa nhất từng được ghi nhận của Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, tên lửa được bắn theo quỹ đạo lệch, giúp nó tránh bay qua bất cứ quốc gia nào. Nhưng họ lưu ý rằng, nếu tên lửa được bắn theo quỹ đạo thông thường và “phẳng” hơn, toàn bộ lục địa của Mỹ có thể nằm trong tầm bắn. Giáo sư Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Mỹ nhận định: “Đây là tên lửa có tầm bắn xa nhất mà Triều Tiên từng thử nghiệm”.
Tên lửa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân?
Các chuyên gia vũ khí cho rằng, Hwasong-17 chắc chắn đủ lớn để mang một hoặc có thể là một số vũ khí hạt nhân. Theo ông Jeffrey Lewis, điều này thực sự thể hiện sự tiến bộ của Triều Tiên trong khả năng đưa nhiều đầu đạn hạt nhân nhắm vào các mục tiêu của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh”. Nhưng trên thực tế, sự tiến bộ này không đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng thực sự đạt được khả năng đó.
Mặc dù Triều Tiên công bố tầm bắn của tên lửa trong vụ thử nghiệm ngày 24/3, nhưng các chuyên gia vũ khí vẫn chưa biết chính xác tải trọng hạt nhân mà nó có thể mang theo. Do tải trọng hạt nhân ảnh hưởng đến việc tên lửa có thể bay bao xa nên giới quan sát không thể biết tầm bắn thực tế của tên lửa, nếu không có thông tin này.
Triều Tiên có thể phóng đầu đạn hạt nhân trúng mục tiêu?
Các chuyên gia lứu ý rằng, Triều Tiên vẫn chưa cho thấy liệu họ có khả năng chế tạo một hệ thống cho phép đầu đạn hạt nhân sống sót khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất.
Bởi vì khi ICBM được bắn vào không gian, giống như tàu con thoi, đầu đạn phải có khả năng chống chịu áp lực khi bay qua các lớp bên ngoài của bầu khí quyển Trái đất mà không bốc cháy. “Có nhiều người nghi ngờ về điều đó”, ông Lewis nói. Nhưng đây là khả năng mà Triều Tiên có thể đạt được thông qua các vụ thử nghiệm như vụ thử nghiệm ngày 24/3.
Điều gì xảy ra tiếp theo trong chương trình tên lửa của Triều Tiên?
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng giúp Triều Tiên phát triển một biện pháp răn đe hạt nhân đáng tin cậy, hay nói cách khác một kho vũ khí đủ mạnh để ngăn chặn cuộc tấn công của bất cứ đối thủ nào, đặc biệt là Mỹ.
Theo báo cáo của KCNA, ông Kim Jong Un cho biết, vụ thử ngày 24/3 nhấn mạnh rằng các lực lượng chiến lược của Triều Tiên "luôn sẵn sàng kiềm chế và ngăn chặn bất cứ âm mưu quân sự nguy hiểm nào”. Theo chuyên gia Lewis, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phê duyệt một danh sách dài các hoạt động hiện đại hóa vũ khí cách đây hơn 1 năm.
“Ông Kim Jong Un nói có rất nhiều thứ mà Triều Tiên sắp thực hiện, chẳng hạn như phát triển ICBM đa đầu đạn, ICBM sử dụng nhiên liệu rắn, phóng vệ tinh quân sự, thậm chí đưa một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ra biển”, nhà phân tích Lewis nhấn mạnh.
Trước đó, Triều Tiên đã công bố kế hoạch nâng cao độ chính xác của các tên lủa và gia tăng tầm bắn lên tới 15.000 km./.