Quân đội Iraq chính thức triển khai bộ binh để giải phóng thành phố Tal Afar từ ngày hôm qua (20/8). Tuy không lớn nhưng thành phố này được coi là địa danh chiến lược, nối thành phố Mosul của Iraq và Raqqa của Syria. Chiếm được Tal Afar đồng nghĩa với việc Quân đội Iraq đánh tan sào huyệt cuối cùng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

binh_si_iraq_ambf.jpg
Binh sĩ Iraq trong chiến hào. Ảnh: Al-Masdar News.

Phát biểu trước cơ quan truyền thông quốc gia Iraq vào ngày 20/8, ông Saed Al Jiyashi, một chuyên gia quân sự cấp cao cho biết, quân đội Iraq đã chuẩn bị rất kỹ càng cho chiến dịch giải phóng Tal Afar từ nhiều ngày nay, các hoạt động hỗ trợ người dân rút khỏi thành phố này cũng đang được gấp rút triển khai.

Ông Saed tỏ ra lạc quan về kết quả của chiến dịch trong những ngày tới: “Tôi tin tưởng Quân đội Iraq sẽ kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới với Syria và đây cũng là mục tiêu chính của chiến dịch lần này”

Để dọn đường cho bộ binh, liên tục trong những ngày qua, quân đội Iraq đã ném bom, bắn rocket và nã trọng pháo vào các vị trí được cho là nơi ẩn nấp của các tay súng IS. Trong hai ngày 20/8 và 21/8, hàng trăm xe tăng và thiết giáp đã tiếp cận đến địa phận Tal Afar.

Theo một số thông tin mới nhất, cho đến chiều nay (21/8), một số ngôi làng của thành phố này đã được giải phóng.

Cùng chung quan điểm với chuyên gia quân sự Saed, Thiếu tướng Najim al Jabouri đánh giá, cuộc chiến tại Tal Afar sẽ không khốc liệt giống như các cuộc giao tranh diễn ra vào tháng 7 tại thành phố Mosul. Những “chiến binh thánh chiến” đã kiệt sức. Nhiều người trong số họ đã mất tinh thần và là tàn dư bỏ chạy từ Mosul sau khi thành phố này bị thất thủ.

Thể hiện quyết tâm của chính phủ trong việc tiêu diệt IS, phát biểu trên truyền hình vào ngày hôm qua, sau khi phát động một cuộc tổng tấn công vào mặt trận Tal Afar, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định: “Qua các thiết bị giám sát chúng tôi phát hiện còn khoảng gần 2.000 tay súng IS đang cố thủ tại đây và tôi muốn nói với những kẻ cực đoan rằng các người chỉ có thể lựa chọn một trong hai con đường đó là đầu hàng hoặc bị tiêu diệt”.

Theo nguồn tin tình báo của quân đội Iraq, kể từ tháng 4 đến nay, đã có khoảng 50.000 người dân trốn chạy khỏi thành phố Tal Afar. Tổ chức di trú thế giới bày tỏ quan ngại rằng, hiện còn khoảng 10.000 dân thường vẫn mắc kẹt lại ở đây và nguy cơ về khủng hoảng nhân đạo sẽ lặp lại giống như kịch bản ở Mosul trước đây.    

Tal Afar - cách thành phố Mosul 70 km về phía tây và có diện tích hơn 3.000km2, được xác định là sào huyệt cuối cùng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Theo các nhà phân tích quân sự, khả năng cuộc chiến tại đây không diễn ra ác liệt như tại Mosul nhưng cũng sẽ là thách thức không nhỏ đối với lực lượng vũ trang của chính phủ Iraq khi mà nơi đây vẫn còn khoảng 2.000 tay súng với một cơ số vũ khí, đạn dược và với một tinh thần tử thủ trên một địa bàn rộng lớn./.