Cựu quan chức Lầu Năm Góc và chuyên gia tên lửa Mỹ Theodore Postol nói với hãng tin Sputnik rằng việc các lực lượng hạt nhân Mỹ ngắm bắn dân thường theo lối hủy diệt không chỉ tồn tại trong quá khứ mà vẫn tiếp tục cho tới tận ngày nay.

no_bom_hat_nhan_sbvb.jpg
Một vụ nổ hạt nhân. Ảnh: HistoryToday.

Các tài liệu mới được công bố gần đây cho thấy, trong thập niêm 1950, lực lượng hạt nhân Mỹ từng làm như vậy.

Hôm 22/12 Trung tâm Tàng thư Quốc gia Mỹ công bố một danh sách chi tiết các mục tiêu mà Mỹ vạch ra cho các máy bay ném bom hạt nhân của họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên Xô trong thập niên 1950.

Nhiều mục tiêu là nhà máy công nghiệp và tòa nhà chính quyền, nhưng cũng có những mục tiêu dân sự.

Sau công bố này, vị giáo sư Theodore Postol vào hôm 23/12 nói: “Thực tế là chúng ta đã khóa mục tiêu vào dân thường ngay từ đầu và ngày nay vẫn vậy”.

Ông Postol tuyên bố rằng các nhà hoạt định chính sách Mỹ đã khiến cho các chính gia Mỹ và nhân dân Mỹ không hiểu rõ về mức độ tàn phá thực sự của bất cứ vụ nổ nhiệt hạch (hay còn gọi là khinh khí) nào, và người ta vẫn tiếp tục làm như thế.

“Mỹ đe dọa sự tồn tại của toàn thế giới bằng các phiêu lưu trong hoạch định tác chiến hạt nhân và bằng việc làm cho lãnh đạo cao nhất của Mỹ hiểu không chính xác về hậu quả từ việc thực thi các kế hoạch hạt nhân này”.

Theo ông Postol, các tuyên bố của chính phủ Mỹ (về đối tượng tấn công hạt nhân) đầy những tuyên bố sai và gây hiểu lầm.

Postol cho biết, cho đến ngày nay, chính phủ Mỹ tiếp tục cố gắng làm cho công chúng Mỹ hiểu sai về các ảnh hưởng của bom nhiệt hạch (bom khinh khí) và các kế hoạch sử dụng loại vũ khí này.

Bom nhiệt hạch mạnh hơn rất nhiều so với bom nguyên tử thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945.

“Tác động của vũ khí hạt nhân xảy đến với một vùng rất rộng lớn, nên chắc chắn không có chuyện đánh trúng mục tiêu công nghiệp mà lại không hề ảnh hưởng đến dân thường sống trong các thành phố”.

Chuyên gia Postol phân tích: Một trong các “thủ thuật” mà các nhà hoạch định chiến lược cũng như phát ngôn viên chính thức của Mỹ thường làm là đưa ra các tuyên bố hạ thấp tác động trên thực địa của các vụ nổ hạt nhân nhằm tạo ra ảo tưởng rằng các cuộc tấn công vào các mục tiêu hay nhóm mục tiêu cụ thể sẽ không giết hại số lượng lớn dân thường ở khu vực xung quanh.

“Không nên hiểu vũ khí hạt nhân đơn giản là một loại chất nổ liều cao. Nên xem đó là một vật liệu nổ giải phóng ra năng lượng có nhiệt độ cao hơn cả nhiệt độ ở lõi của mặt trời”.

Ông Postol so sánh: Nhiệt độ ở lõi vũ khí hạt nhân vào lúc giải phóng nhiều năng lượng nhất là khoảng 100 triệu độ Kelvin trong khi ở thiết bị nổ thông thường, con số này chỉ là 5.000 độ Kelvin.

“Ánh sáng và sức nóng từ quả bom nhiệt hạch lớn đến mức tạo ra các cơn bão lửa ở cự ly cực xa, khiến các cơn bão lửa đô thị (trong trường hợp nổ bom nhiệt hạch) trở thành gã khổng lồ so với các cơn bão lửa ở Hiroshima và Nagasaki thời Thế chiến 2. Ngày nay mà xảy ra nổ bom nhiệt hạch thì vụ Hiroshima trở nên bé nhỏ hơn nhiều”.

Theo chuyên gia tên lửa Mỹ này, một vụ nổ hạt nhân với sức công phá một megaton trên một thành phố lớn sẽ thiêu cháy một khu vực rộng lớn hơn 388km2 và không ai sống sót nổi trong khu vực bão lửa đó./.