CV của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ CA và Viện Kiểm sát ND Tối cao xử lý đơn của các DN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
Như đã đưa tin, vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” (Điều 214 BLHS) liên quan đến vụ chìm tàu tại vùng biển Cần Giờ được Cơ quan CSĐT CA TPHCM khởi tố gần 3 năm vẫn chưa thể kết thúc điều tra và hiện đang bị cơ quan điều tra tạm đình chỉ “vô thời hạn”.
Quá sốt ruột với cách điều tra kỳ quặc này, một trong hai bị can của vụ án là ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty CP công nghệ Việt Séc, đơn vị sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC) đã liên tiếp gửi văn bản đề nghị đối thoại với Thiếu tướng Phan Anh Minh về vụ án. Cùng lúc các doanh nghiệp đối tác của ông Đảo cũng liên tiếp gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ CA, Viện Kiểm sát ND Tối cao “tố” những người có trách nhiệm tại CA TPHCM, Viện Kiểm sát ND TPHCM “vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền lực”.
Trong văn bản đề ngày 26.1.2016, sáu doanh nghiệp cùng tổ chức công đoàn, chi bộ Đảng đã cùng ký đơn kiến nghị phản ánh 5 việc làm sai trái của các cơ quan tố tụng TPHCM trong việc khởi tố oan sai, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người lao động, ảnh hưởng đến hoạt động của chi bộ Đảng.
Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, các cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật như: Cơ quan điều tra đã ra quyết định trái pháp luật khi ban hành quyết định khởi tố người không có hành vi phạm tội. Quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra ngày 4.9.2013 đối với ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết đã không được viện kiểm sát phê chuẩn theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Điều này đồng nghĩa là cơ quan điều tra đã vi phạm khoản 1, Điều 126 BLTTHS khi khởi tố một người mà chưa có đủ căn cứ để xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội. Việc làm này là xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
Thứ hai, Viện Kiểm sát ND TPHCM đã ban hành quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 4, Điều 126 BLTTHS thì: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho cơ quan điều tra”. Trên thực tế, viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ngày 23.10.2013 (sau 49 ngày) là trái với quy định của pháp luật.
Thứ ba, cơ quan điều tra đã lạm dụng quyền lực cố tình truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội. Trong quyết định khởi tố bị can đối với ông Đảo và ông Quyết, cơ quan điều tra cho rằng hai ông này có hành vi “điều động cano BP12-04-02” nhưng quá trình điều tra đã không chứng minh được hành vi “điều động” vì tàu không phải của hai ông này mà là tàu của lực lượng vũ trang nên hai ông này không có quyền điều động và không thể có hành vi “điều động”. Thay vì phải đình chỉ điều tra nếu không chứng minh được hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra lại suy diễn và quy chụp cho hai ông này hành vi “đưa công nghệ vật liệu mới PPC vào sản xuất tàu thuyền” và “bán tàu thuyền cho lực lượng vũ trang” để có tội.
Thứ tư, cơ quan điều tra đã ban hành bản kết luận điều tra trái pháp luật. Thời hạn điều tra được viện kiểm sát gia hạn hai lần và phải kết thúc vào ngày 4.9.2014. Theo quy định tại khoản 6, Điều 119 BLTTHS thì khi hết thời hạn điều tra nếu không chứng minh được tội phạm thì cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra.
Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã không đình chỉ điều tra khi hết thời hạn mà cố tình ban hành bản kết luận điều tra quá thời hạn 8 ngày (ban hành ngày 12.9.2014). Bản kết luận điều tra ban hành khi đã hết thời hạn điều tra là trái pháp luật và không thể dùng để làm căn cứ chứng minh tội phạm.
Thứ năm, cơ quan điều tra đã lạm quyền khi thụ lý một vụ án không đúng thẩm quyền. Hồ sơ vụ án cho thấy các cơ quan tố tụng đã họp và thống nhất vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT CA TPHCM nhưng vẫn cố tình thụ lý và kết tội người không có hành vi phạm tội. Việc làm này đã cho thấy sự lạm dụng quyền lực trong hoạt động tố tụng làm oan sai người vô tội.
Ngày 14.5.2015, các DN lại tiếp tục cùng ký tên gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất phát triển nhưng những người có thẩm quyền của Cơ quan CSĐT CA và Viện Kiểm sát ND TPHCM vẫn bất chấp quy định của pháp luật, khởi tố oan sai ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết là hai giám đốc doanh nghiệp, hai đảng viên Đảng Cộng sản VN, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp và người lao động”.
Trước những kiến nghị “thấu tình, đạt lý” của các DN, ngày 9.6.2016 Văn phòng Chính phủ đã có CV số 4528/VPCP-ĐMDN gửi Bộ CA, Viện Kiểm sát ND Tối cao nêu rõ: “Thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16.2.2012 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản nêu trên đến Bộ CA, Viện Kiểm sát ND Tối cao để xem xét, xử lý và trả lời DN theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện”./.
Chính phủ đề nghị cơ quan tố tụng TW xem xét vụ án chìm canô ở Cần Giờ