Thời gian vừa qua dư luận rất bức xúc khi các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui 2 vụ án ở quận Bình Chánh, TP.HCM và 1 vụ ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu từ chính quyền đến các Cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương, 3 vụ án này được đình chỉ mau lẹ, lấy lại lòng tin của nhân dân vào việc xử lý công minh của các cơ quan công quyền.
Đinh Văn Quế - Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao. |
Tuy nhiên, dư luận và người dân còn băn khoăn, không biết cả nước còn bao nhiêu vụ tương tự như ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin Chào”, ông Nguyễn Văn Bỉ, chủ “chòi vịt” và bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ?!
Ngay tại TP.HCM qua công tác giám sát của Quốc hội vào năm 2015 cũng còn để lại nhiều câu hỏi chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng trả lời thấu đáo, điển hình là vụ chìm ca nô ở huyện Cần Giờ cũng được đưa vào diện phải giám sát, nhưng cho đến nay vụ án này Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM vẫn im lặng đáng sợ!
Có lẽ chưa có vụ án nào mà dư luận lại quan tâm và tốn nhiều thì giờ để lên tiếng như vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.
Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng đều cho rằng, việc khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn”, theo điều 214 Bộ luật hình sự là không có căn cứ.
Cũng không chỉ có các phương tiện thông tin đại chúng, mà các chuyên gia pháp luật, trong đó có cả những chuyên gia hàng đầu ngành về lĩnh vực hình sự cũng cho rằng, việc khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết là oan sai.
Vậy không biết còn lý do nào nữa mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM không đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và tiến hành xin lỗi công khai và bồi thường cho 2 ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết ?!
Vướng mắc ở đâu? Lãnh đạo TP.HCM suy nghĩ gì khi hai cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố “treo” vụ án!
Công ty Việt Séc là một doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới vào việc đóng tàu, được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận: “Công nghệ sản xuất ca nô, tàu thuyền từ vật liệu PPC là công nghệ mới, lần đầu tiên sử dụng tại Việt Nam. Dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010”.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã cấp giấy chứng nhận. Tàu do nhà máy sản xuất ra bằng vật liệu PPC đã được tặng Cúp Vàng tại Hội chợ khoa học Công nghệ Quốc tế 2012 (Techmart 2012), ngày 23/9/2012.
Nguyên nhân gây ra tai nạn cũng đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định do ca nô BP 12-04-02 bị tai nạn không phải do chất lượng kém hay do lỗi kỹ thuật.
Khi hồ sơ vụ án được chuyển qua TAND TP.HCM, tòa án đã phải hai lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Lần trả hồ sơ vụ án lần thứ nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM không thèm quan tâm đến yêu cầu của tòa án. Nhưng lần thứ hai, Viện Kiểm sát buộc phải chấp nhận và quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan cảnh sát điều tra để giám định cano ký hiệu BP 12-04-02 (là phương tiện gây tai nạn), đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết để chờ kết quả giám định.
Phải nói ngay rằng, việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM trưng cầu “giám định tư pháp” và “tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định” là trái quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Đây không phải là giám định tư pháp, mà nếu cơ quan điều tra yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải giám định ca nô bị nạn là cần thiết thì đó chỉ là “hoạt động thu thập chứng cứ trong thời hạn điều tra bổ sung”.
Nhưng trong thời hạn điều tra bổ sung, Cơ quan cảnh sát điều tra không hề có một động thái nào, chỉ đến khi thời hạn điều tra bổ sung vừa hết thì vội vàng ra quyết định “trưng cầu giám định” và tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quá giám định!
Lẽ ra, ngay từ khi khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã phải tiến hành giám định ca nô gây tai nạn xem có đúng là phương tiện không bảo đảm an toàn hay không rồi hãy khởi tố mà vội vã khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam 2 ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.
Khi Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam Bộ Giao thông Vận tải đã xác định nguyên nhân gây ra tai nạn không phải là do phương tiện không bảo đảm an toàn, lẽ ra phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can ngay nhưng vẫn gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam.
Đáng tiếc là Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cũng đồng tình và phê chuẩn các quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, trong đó có quyết định để quá thời hạn mới phê chuẩn.
Đến nay, theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, Bộ Giao thông Vận tải vẫn khẳng định công nhận kết quả đăng kiểm của Hải quân và yêu cầu Cục đăng kiểm cấp giấy an toàn kỹ thuật cho ca nô được sản xuất bằng vật liệu PPC và kết quả giám định của Hội đồng giám định Bộ Giao thông Vận tải một lần nữa xác định: “Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và tình trạng kỹ thuật cũng như chất lượng chiếc ca nô gặp nạn là do tàu chở quá số người cho phép chở, cộng thêm khả năng tàu đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”.
Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì sau khi có kết quả “giám định” Cơ quan điều tra phải phục hồi điều tra nếu giám định có kết quả theo hướng buộc tội các bị can hoặc quyết định đình chỉ điều tra nếu giám định có kết quả theo hướng các bị can bị oan.
Nhưng không hiểu sao, đến nay đã 6 tháng, Cơ quan cảnh sát điều tra và VKSND TP.HCM không hề có một động thái nào.
Dư luận cho rằng Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cố tình làm ngơ bằng cách “treo án” gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.
Việc không hủy bỏ quyết định cấm hai ông không được ra nước ngoài cũng đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Công ty Việt Séc, có hợp đồng hàng chục tỷ đồng bị hủy bỏ, hàng trăm công nhân mất việc, thiệt hại về kinh tế đặc biệt lớn cho Công ty và cá nhân hai ông.
Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện đúng lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và để lấy lại uy tín và lòng tin của nhân dân cả nước nói chung, và TP.HCM nói riêng thì lãnh đạo thành phố cần phải yêu cầu Công an và Viện kiểm sát đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, phục hồi mọi quyền và lợi ích hợp pháp của hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết./.
Diễn biến vụ án:
-Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.
Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu - Maria bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
-Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.
Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.
-Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.
-Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.
Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.
-Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.
-Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.
Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.
-Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.
Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định.
-Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định vụ án.
-Sau kết luận giám định đến nay đã gần 6 tháng, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM quyết định “treo án”.