Vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra ngày 2/8/2013 tại Cần Giờ, TP.HCM đã gần 3 năm nhưng cơ quan tố tụng TP.HCM vẫn “án binh bất động” làm cho dư luận thêm nghi ngờ việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra.

Vụ tai nạn chìm ca nô Cần Giờ được cơ quan tố tụng TP.HCM gọi là vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.

Hai bị can trong vụ án này là ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết bị khởi tố cùng tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” theo Điều 214 Bộ luật Hình sự.

ca_no_qvnm_wioa_yrke.jpg
Một ca nô do Công ty Việt Séc sản xuất.

Một vụ án giao thông nguyên nhân tai nạn đã được xác định, chủ phương tiện cũng rõ ràng, tàu cũng đã được đăng kiểm, vậy tại sao lại để kéo dài đến 3 năm mà không kết thúc? Luật pháp có cho phép kéo dài hoạt động tố tụng đến như vậy không?

Theo quy trình tố tụng, hiện nay vụ án đang ở giai đoạn tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can để thực hiện trưng cầu giám định tư pháp.

Quyền tạm đình chỉ điều tra là quyền của cơ quan điều tra nhưng quyền đó phải tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự về trưng cầu giám định quy định 5 trường hợp cơ quan điều tra “khi xét thấy cần thiết” thì ra quyết định trưng cầu giám định gồm: (a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; (b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; (c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án; (d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; (đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả.

Những trường hợp nêu trên không có trong Quyết định trưng cầu giám định số 372-04C ngày 27/8/2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đối với vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

Đối với vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, việc điều tra bổ sung là theo yêu cầu của tòa án. Việc này được quy định tại khoản 2, điều 121 Bộ luật hình sự: Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng. Nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng….Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.

Trong giai đoạn điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa án thì cơ quan điều tra chỉ có thể trưng cầu giám định bổ sung. Việc giám định bổ sung cũng chỉ có thời hạn 1 tháng theo quy định trả hồ sơ điều tra bổ sung tại điều 121 Bộ luật hình sự.

Thế nhưng từ ngày tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung đã gần 1 năm (tòa trả hồ sơ lần thứ hai ngày 17/7/2015) mà cơ quan điều tra không có động thái nào.

Khi hết thời hạn điều tra bổ sung, cơ quan điều tra lại ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do giám định tư pháp ca nô bị tai nạn. Đây là quy trình vi phạm nghiêm trọng quá trình tố tụng vì việc giám định ở đây là giám định bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 159, Bộ luật Tố tụng hình sự: “Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó”.

Bên cạnh đó, việc cơ quan điều tra thực hiện trưng cầu giám định phương tiện tai nạn lần đầu tiên kể từ khi vụ án xảy ra ngay trong giai đoạn điều tra bổ sung chẳng khác nào việc cứ khởi tố điều tra, bắt giam, truy tố rồi mọi chuyện sẽ tính sau, việc làm này đã vi phạm Khoản 1, Điều 126, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Ngoài ra, cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can mà không hủy bỏ các quyết định hạn chế xuất cảnh với hai bị can là xâm phạm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến Pháp.

Điều 12, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là phải “nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật”.

Với các vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng, thời hạn điều tra được chỉ ra đã cho thấy các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đã không tôn trọng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Vụ án này đã được rất nhiều chuyên gia pháp luật, các cơ quan tổ chức nghiên cứu pháp luật phân tích, mổ xẻ và chỉ ra hàng loạt sai phạm về tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra.

Vụ án này đã kéo dài hơn 3 năm mà vẫn không thể kết thúc, đang gây bức xúc trong dư luận./.

Diễn biến vụ án:

-Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu - Maria bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

-Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.

-Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

-Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

-Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.

-Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.

Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.

-Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định.

-Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định vụ án.

-Sau kết luận giám định đến nay đã gần 6 tháng, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM quyết định “treo án”.