Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà kinh doanh tập trung thảo luận về: Giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; Các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đông Nam Bộ đóng góp 30 % GDP và 40% thu ngân sách cho cả nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vùng này muốn tăng trưởng kinh tế bền vững thì phải phát triển kinh tế xanh. Trong liên kết vùng nên phối hợp việc sử dụng nguyên, nhiên liệu và tái chế. Vùng nên tập trung phát triển các mô hình công nghiệp sinh thái. Phát triển kinh tế xanh, doanh nghiệp phải chú trọng việc tái sử dụng, tái chế và tái sản xuất.

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xanh, vùng nên chọn 5 lĩnh vực ưu tiên làm trước. Đó là nông nghiệp, phát triển đô thị, vận tải, chuyển đổi năng lượng và kinh tế biển. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hoàn xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển kinh tế xanh. 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị: "Nếu muốn thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này, tôi đề nghị phải xây dựng luật về kinh tế tuần hoàn để có một cơ chế, khuôn khổ pháp lý mạnh hơn, khuyến khích các mô hình này... Chỉ bằng cách đó thì chúng ta mới thúc đẩy được xu hướng số hóa và xanh hóa". 

Mỗi năm, Việt Nam cần 8-10 tỷ USD để phát triển kinh tế xanh. Trong khi, chúng ta đang thiếu kênh huy động vốn trung dài hạn để hỗ trợ cho tín dụng xanh. 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: "Cần phải tính đến chuyện huy động nguồn lực như thế nào, nhất là nguồn lực tài chính xanh như tín dụng, trái phiếu xanh, các quỹ đầu 4 xanh thân thiện với môi trường. Muốn huy động được thì Chính phủ phải vào cuộc đứng ra để thu xếp chung có những khoản vay lớn cho cả khu vực, cho cả vùng và sau đó phân bổ cho các địa phương"./.