Mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn việc kiến nghị của các doanh nghiệp về vụ án sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. Đây là vụ án mà dư luận vẫn thường gọi Vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

cano_sbti.jpg
Một ca nô do Công ty Việt Séc sản xuất

Theo công văn, ngày 19/5/2016, Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản đề ngày 14/5/2016 của một số doanh nghiệp kiến nghị về vụ án đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp đến Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Trước đó, các doanh nghiệp, chi bộ Đảng, công đoàn đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM vi phạm pháp luật, lạm dụng quyền lực kéo dài vụ án oan sai gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Công văn của các doanh nghiệp nêu, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất phát triển nhưng những người có thẩm quyền của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM vẫn bất chấp quy định của pháp luật, khởi tố oan sai ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc công ty Công nghệ Việt Séc và ông Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu Maria, hai đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp và người lao động.

Vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” do cơ quan điều tra khởi tố kéo dài đã gần 3 năm nay vẫn chưa kết thúc gây bức xúc dư luận, làm mất niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật TP.HCM.

Suốt 3 năm qua, các doanh nghiệp và người lao động, chi bộ đảng, công đoàn cùng nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia pháp luật đã có nhiều đơn thư, kiến nghị phản ánh những việc làm sai trái của các cơ quan tố tụng TP.HCM trong việc khởi tố oan sai hai giám đốc doanh nghiệp và yêu cầu các cơ quan tố tụng TP.HCM phải tôn trọng pháp luật, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can nhưng không được người có thẩm quyền của các cơ quan này lắng nghe, xem xét giải quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM cũng đã có ý kiến chỉ đạo kiểm tra, giải quyết vụ án đúng pháp luật nhưng các cơ quan tố tụng TP.HCM vẫn không xem xét giải quyết.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang lạm dụng việc tạm đình chỉ để “treo án” gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp, người lao động.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành, các Cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương có tiếng nói chỉ đạo Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cần xử lý dứt điểm vụ án oan sai đối với hai giám đốc doanh nghiệp để ông Đảo, ông Quyết dành thời gian cho việc vực lại các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động”, công văn của các doanh nghiệp nêu./.

Diễn biến vụ án:

-Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu - Maria bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

-Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.

-Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

-Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

-Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.

-Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.

Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.

-Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định.

-Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định vụ án.

-Sau kết luận giám định đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM quyết định “treo án”.