Hơn 4 năm trôi qua, nhưng vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) do Lê Văn Luyện thực hiện vẫn còn ám ảnh người dân bởi sự man rợ, tàn độc của kẻ phạm tội khi tuổi còn rất trẻ. Gần đây cộng đồng lại phải chứng kiến nhiều vụ trọng án khác nhau do lứa tuổi vị thành niên gây ra chẳng hạn: Tháng 12/2014, Vũ Văn Tú (15 tuổi, ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã sát hại bé trai 9 tuổi để chiếm đoạt chiếc điện thoại di động. Hay mới đây, tại huyện Đức Cơ (Gia Lai) Nguyễn Thanh Long - học sinh lớp 10 đã dùng dao đâm chết bạn chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong quán karaoke…

Thống kê của Toà án Nhân dân tối Cao cho thấy, bình quân mỗi năm có hơn 3.000 trẻ vị thành niên bị đưa đưa ra xét xử về hình sự. Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên chỉ khu biệt ở nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thì nay ở tội danh nào cũng có sự góp mặt của trẻ vị thành niên. Sự gia tăng tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên ở mọi lĩnh vực với hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt thật sự đáng lo ngại cho toàn xã hội.
xu_le_van_luyen7_ukkc.jpg
Hung thủ Lê Văn Luyện

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại: “Cả xã hội không khỏi giật mình trước thực trạng thanh thiếu niên luôn mang theo vũ khí, các em sẵn sàng sử dụng nó để phạm trọng tội chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ... Chúng ta không thể không bất an về thực trạng trẻ em phạm nhiều trọng tội với các hành vi, thủ đoạn tàn ác đến rợn người như hiện nay…”.      

Vì sao tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng nhiều với tính chất, mức độ, hành vi tội phạm ngày càng nguy hiểm, hung hãn như vậy? Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) chỉ ra nhiều nguyên nhân từ yếu tố từ tâm lý, đạo đức, rồi kinh tế, văn hóa và cả ảnh hưởng của truyền thông... Trong xã hội mở hiện nay có rất nhiều sức ép, từ nền kinh tế thị trường, từ việc làm, lao động và từ những giá trị cuộc sống thay đổi đã khiến một bộ phận dân chúng, nhất là giới trẻ đã có sự thay đổi về mặt nhận thức, hành vi và đặc biệt đó là sự xuống cấp về đạo đức và lối sống

“Chúng ta thấy những hành vi xấu xa, bạc ác, tàn nhẫn trước đây thường bị lên án, bị xử lý và trừng trị rất nghiêm khắc, trong xã hội người ta lên án rất mạnh mẽ. Nhưng ngày nay, những việc này đối với nhiều người lại trở thành việc bình thường. Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, và đặc biệt là giá trị của đồng tiền được lên ngôi, người ta chạy theo những giá trị đó cho nên nó dẫn đến những xung đột, tranh chấp, tranh đoạt.. Đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi của tội phạm, nhất là trong những người trẻ tuổi”, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn phân tích.

Việc trẻ em vi phạm pháp luật liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau và nó được xem như một hệ lụy. Hệ lụy của việc gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc con cái, nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục đạo đức làm người cho lớp trẻ, một số tổ chức có liên quan đến việc giáo dục học sinh vẫn chưa theo kịp những diễn tiến phức tạp về tâm lý nhóm trong sự biến chuyển của xã hội.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội phân tích: So với dạy chữ, việc “dạy người” của chúng ta đang có phần bị xem nhẹ, hiên nay tại các trường học mới chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy cho học sinh kỹ năng sống; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để định hướng cho xử sự và hành vi của các em còn quá ít và thiếu thuyết phục.    

Một nguyên nhân khác cũng cần phải nói đến đó là vai trò định hướng của xã hội đối với trẻ vị thành niên vẫn còn mờ nhạt và chưa hiệu quả. Trong khi đó các yếu tố văn hoá nước ngoài du nhập vào nước ta phong phú và phức tạp trong quá trình hội nhập, nhưng xã hội lại thiếu một “bộ lọc” hiệu quả đối với các yếu tố văn hoá đó. Kết quả là bên cạnh những yếu tố văn hoá tích cực, tiến bộ cũng không ít yếu tố văn hoá tiêu cực. Sự bùng nổ thông tin với sự xâm nhập của các băng, đĩa có nội dung bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy, khiến một bộ phận không nhỏ trẻ em vùi đầu vào các quán internet để chát, chơi game online (chủ yếu là game bạo lực). Trong môi trường xã hội nhiều biến động đó, đã dẫn đến đạo đức của một bộ phận không nhỏ trẻ em đi xuống, với biểu hiện là đề cao lối sống hưởng thụ, ăn chơi lêu lổng, đua đòi thích thể hiện mình nên dẫn đén phạm tội nghiêm trọng

Thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục các em, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp, cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em có đủ bản lĩnh, tự tin khi bước vào cuộc sống./.

Nghe âm thanh tại đây: