Một trong những giải pháp được xem là quan trọng để gỡ nút thắt và khó khăn trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng là đảm bảo tính độc lập và mạnh mẽ cho các cơ quan phòng chống tham nhũng, đặc biệt là các cơ quan có chức năng trực tiếp tham gia hoạt động tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng. Tuy nhiên, cơ chế như thế nào, điều kiện cụ thể ra sao để các cơ quan này thể hiện được vai trò đích thực của mình lại cần được xác định một cách cụ thể trong quy định của pháp luật.

Nghe âm thanh tại đây:

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 cho thấy chỉ có 19 bộ ngành địa phương thực hiện tự đánh giá tình hình tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong đó, 7 bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng trong bộ, ngành, địa phương mình là ít nghiêm trọng; 4 bộ ngành địa phương cho rằng không nghiêm trọng. Nhưng báo cáo này cũng thẳng thắn nhận định: Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Thực tế hầu như không có cơ quan nào thông báo cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát về hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ hoặc lĩnh vực quản lý của mình.

Không phải ngẫu nhiên, trong hội thảo hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương tổ chức gần đây, có ý kiến đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, báo tin về tội phạm tham nhũng cho cơ quan chức năng.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng giám sát bên trong có ý nghĩa quan trọng nhưng để thực hiện được, cần thay đổi cơ chế.

“Có hai cơ chế giám sát bên trong và giám sát bên ngoài, giám sát bên trong là quan trọng nhất còn giám sát bên ngoài là giám sát trách nhiệm giám sát bên trong. Ở ta hiện nay tất cả chờ giám sát bên ngoài phát hiện. Chế tài nghiêm minh ở đây không phải là hình phạt nặng hay nhẹ mà là nghiêm minh trong xử lý. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không mạnh dạn đổi mới cơ chế, giải quyết vấn đề con người thì chúng ta không thể chống tham nhũng”, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị.

noi_chinh_trung_uong_tham_n_jirz.jpg
Hội thảo hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương tổ chức (Ảnh: báo Thanh Tra)

Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành chỉ quy định chung chung “các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội…”. Trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình không chỉ là trách nhiệm chính trị mà phải là trách nhiệm pháp lý. Vì thế nên chăng phải có chế tài hình sự, hành chính hoặc kỷ luật với hành vi vi phạm nghĩa vụ phát hiện tội phạm tham nhũng. Đây là vấn đề pháp luật hiện hành để khoảng trống khi chỉ quy định áp dụng chế tài với hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.

Cùng với việc xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng thì việc trao quyền đủ mạnh cho các cơ quan phòng chống tham nhũng, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng cần được hiện thực hóa bằng các quy định pháp luật chứ không nên dừng ở khẩu hiệu.

Một trong những thay đổi trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) lần này là cho phép áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt (ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử) từ giai đoạn khởi tố vụ án. Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy là cần thiết, xuất phát từ tính chất đặc biệt của tội phạm tham nhũng và tạo thuận lợi cho cơ quan điều tra ngay từ giai đoạn đầu của vụ án. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì không nên qui định áp dụng các biện pháp này là đương nhiên mà phải cân nhắc tùy vào tính chất, mức độ và các tình tiết thực tế trong từng giai đoạn tiến hành tố tụng.

“Hiện nay trong dự thảo mới nhất bắt đầu từ khởi tố vụ án nhưng chúng ta cũng phải quy định làm sao để tránh việc lạm dụng tràn lan, vi phạm quyền công dân. Khi có nguồn tin có vụ án xảy ra người ta có thể nghe theo dõi tràn lan được không. Theo chúng tôi là phải cân nhắc quy định chặt chẽ”, bà Nga nêu ý kiến.

Một số ý kiến đề nghị quy định đặc quyền tư pháp đối với một số chức danh tư pháp như thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Theo đó, các chức danh tư pháp này sẽ được miễn trừ trách nhiệm với quan điểm, quyết định đưa ra khi giải quyết án, trừ trường hợp cố ý vi phạm. Pháp luật cũng quy định rõ và cụ thể các trường hợp không áp dụng quyền miễn trừ, kèm theo những ràng buộc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch. Quy định này có thể giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bảo đảm tính khách quan, độc lập

Bên cạnh việc xác định cụ thể các cơ chế, trình tự, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng pháp luật tố tụng hình sự nên quy định rõ cơ chế trách nhiệm của cơ quan này, nhằm hạn chế sự tùy tiện, lạm quyền.

Ông Luyến đề nghị, tới đây nên quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan này đối với vụ án tham nhũng, trách nhiệm trong điều tra, khởi tố và xử lý như thế nào cho minh bạch rõ ràng tránh tình trạng như thời gian qua vì không rõ ràng lúc đầu vụ việc nghiêm trọng nhưng không xử lý hình sự chỉ xử lý hành chính. Tiếp theo là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan khác trong phòng chống tham nhũng.

Việc xây dựng khung pháp lý vừa toàn diện vừa cụ thể sẽ là cơ sở quan trọng để đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng một cách hiệu quả. Chỉ khi quyền, trách nhiệm và cơ chế đảm bảo thực thi quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng được quy định minh bạch, và đủ mạnh, lúc đó những rào cản trong công tác phòng chống tham nhũng mới bị hạn chế và dẹp bỏ./.