Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 171/2013) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

20110214183648_doduythuong_wair.jpgÔng Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ảnh: Hoàng Long)
Theo Ban soạn thảo, trong quá trình triển khai Nghị định 171/2013, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, trong đó có tình trạng tai nạn giao thông vẫn tăng, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến, tái phạm và hết sức nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông... Trước những bất cập nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 171.

Dự thảo mới hướng tới 3 mục tiêu chính là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau; bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.

Phải cắm biển để lái xe không bị “đánh đố”

Tại Khoản 3, Điều 5 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng ở ta đường liên tỉnh đang cho tốc độ 80 km/h nhưng qua thị trấn, thị tứ là thấy có biển báo 50 km/h. Nếu vừa chạm vạch mà không giảm được tốc độ xuống mức đó là bị CSGT thổi còi.

“Làm sao đang đi 70-80km/h mà giảm ngay xuống được 50km/h, phải giảm tốc độ chậm dần đều. Vừa mới cắm 80km/h sau đó có ngay biển 50km/h thì làm sao lái xe có thể xử lý kịp. Việc cắm biển giao thông như thế không ổn. Phải cắm như thế nào để người tham gia giao thông người ta có thể chủ động giảm được tốc độ chứ không bị giảm tốc đột ngột. Khi bị thổi phạt quá tốc độ nhiều người cũng không hiểu vì sao, cứ nộp phạt cho xong chuyện chứ không có bằng chứng, hình ảnh để chứng minh thì khó thuyết phục”- ông Đỗ Duy Thường nói.

Ông Đỗ Duy Thường cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định quá dài, văn phong không đúng với văn phong của văn bản pháp luật. Về mức phạt trong dự thảo, nhiều chỗ còn chưa rõ, chưa mang tính răn đe.

Theo ông Thường, việc xử phạt phải mang tính răn đe và tính ngăn chặn, không để tái diễn tình trạng vi phạm giao thông; đồng thời phải có cả tính nghiêm cấm. Mức phạt bao nhiêu thì đạt được những mục tiêu này thì phía các nhà làm luật sẽ có tính toán cụ thể. “Báo chí đã từng thông tin có hàng trăm lái xe ở TP HCM nghiện ma túy. Tôi không biết xe đó là xe công hay của cá nhân nhưng nếu là xe khách thì phải có chủ phương tiện. Theo tôi, không chỉ phạt lái xe mà phải phạt cả chủ phương tiện. Anh tuyển lái xe nghiện như thế mà cứ vẫn cho họ lái, có nghĩa là anh không nghĩ đến tính mạng của người lái xe, phương tiện của chính mình và kể cả người tham gia giao thông khác. Cho nên, khi phạt phải phạt cả lái xe và chủ phương tiện”.

Xe quá tải cày nát đường, đã phạt được chưa?

Tại Khoản 2, Điều 23 dự thảo về xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ quy định phạt tiền từ 400.000 -600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.
Tình trạng cắm biển báo hạn chế tốc độ tuỳ tiện gây bức xúc cho lái xe (ảnh: KT)

Ông Đỗ Duy Thường cho rằng, phải tính toán mức phạt phù hợp để đảm bảo được tính tính răn đe, chứ nếu phạt nhẹ quá, lần sau họ lại vẫn cứ vi phạm. Ví dụ: Hà Nội – TP HCM một vé 800.000 đồng, ví dụ thêm 2 người phạt 2.000.000 thì mới có tính răn đe, chứ lại chỉ phạt vài trăm ngàn đồng thì lần sau dù có bị phạt nhưng chở thêm người vẫn “lãi” nên họ vẫn vi phạm.

“Rồi cả việc xe quá tải, phải phạt như thế nào để không tái diễn tình trạng này. Như mới đây, tôi đi Hải Phòng, đường quốc lộ vẫn cứ hằn lên như thế, có xe quá tải đến mấy trăm phần trăm. Thanh niên đi xe máy có tài giỏi mấy thì khi gặp các lằn đường như vậy cũng bị ngã. Vì thế những hành vi này tất nhiên phải phạt rất nặng, không thể để như thế được”- ông Thường nói.

Theo ông Thường, phạm vi áp dụng như trong dự thảo cũng chưa được làm rõ, việc áp dụng chỉ trong nội đô, đường quốc lộ hay cả trong đường liên xã, liên thôn? “Ở các đường trong xã, bây giờ nông thôn mới nên đường rất đẹp, nhưng nhiều người cứ phóng tốc độ cao trong khi trẻ con chơi rất nhiều. Phạm vi áp dụng như thế nào? Rồi việc thóc lúa phơi đầy đường cả quốc lộ, cả đương trong xã, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Rồi ở nông thôn, đường sắt cắt qua làng, không có ai trông coi, chỉ thỉnh thoảng mới bấm chuông… Những chỗ như thế này có áp dụng phạm vi phạt hành chính không?”.

Ông Thường cho rằng, luật gì đi nữa thì muốn thực hiện hiệu quả phải làm tốt công tác tuyên truyền. “Hiện nay, ý thức của người tham gia giao thông rất kém. Tại nhiều ngã tư, dù có đèn đỏ nhưng nhiều người vẫn cứ phóng ào ào, CSGT có phạt cũng không xuể. Vì thế việc tuyên truyền rất quan trọng. Trong thời gian qua, tại các ngã tư giao thông có thêm loa phát thanh về an toàn giao thông, nói liên tục cả ngày cũng là một cách tuyên truyền tốt. Ngoài các ngã tư, cần tuyên truyền ở các trục giao thông lớn, các điểm cắt đường sắt, các đường ngoại thành, ngoại thị… Hãy dựa vào các tổ chức Mặt trận, công đoàn, thanh niên, phụ nữ để làm công tác tuyên truyền, chứ hiện nay công tác tuyên truyền còn kém”./.