Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) khẳng định báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng… 

Thảo luận về dự thảo Luật trên tại phiên họp 41 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là quan điểm tiến bộ, phù hợp Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.

Tên, hình ảnh thuộc phạm trù quyền cá nhân

Theo bản tổng hợp ý kiến của cơ quan trình dự án luật, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), UBND TP Hà Nội đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là thông tin thuộc bí mật đời tư cá nhân, như các vấn đề liên quan đến quyền nhân thân, quyền tài sản, thông tin về tình trạng cá nhân (sức khỏe, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh xã hội...) tại điều khoản vềnhững nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí.

UBND TP Hà Nội cho rằng cần xác định mức độ xử phạt nếu vi phạm như có thể đình chỉ hoạt động tác nghiệp, thu hồi thẻ nhà báo, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc tiết lộ bí mật đời tư gây hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân đó.

trang_ca_nhan_mmhh.jpg
Khai thác thông tin từ trang cá nhân của những người nổi tiếng cũng là xâm phạm đời tư cá nhân? (Ảnh minh họa)

Ý kiến này lưu ý việc khai thác thông tin từ trang cá nhân của những người nổi tiếng cũng là xâm phạm đời tư cá nhân. Bởi các cá nhân có quyền công khai vấn đề của họ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phóng viên, nhà báo có quyền sử dụng thông tin của họ làm thành sản phẩm đưa lên báo chí khi chưa có sự đồng ý. Tên và hình ảnh của người đó cũng thuộc phạm trù quyền cá nhân.

Bản đóng góp ý kiến cũng đề nghị bổ sung hành vi bị cấm là “thông tin gây hiểu lầm” với lý do thời gian qua đã có một số trang báo đăng bài, rút tít chưa phù hợp dẫn đến gây hiểu lầm cho người đọc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền lợi hợp pháp của công dân.

Hành vi vi phạm quyền tác giả cũng là vấn đề cần nghiên cứu quy định cấm đểkhắc phục tình trạng một số báo lấy tin bài đã đăng ở báo khác, sau đó chỉnh sửa một số tình tiết, gắn tên tác giả mới. Hành vi trên vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Thảo luận về dự thảo Luật tại phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đặt câu hỏi: “Về vấn đề bản quyền lung tung hết, ai sẽ làm trọng tài xét xử? Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong xử lý vấn đề ăn cắp thông tin giữa báo này với báo kia thế nào?”.

Quy định đảm bảo an toàn thông tin bí mật cá nhân còn ít

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay một số quy định đảm bảo quyền còn chưa được cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến còn những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Do đó, các quy định trong Luật Báo chí (sửa đổi) lần này được thiết kế theo hướng vừa đảm bảo quyền nhưng cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Để cụ thể hóa quyền tự do báo chí được hiến định, Bộ Tư pháp cho rằng nội dung cơ bản của dự thảo Luật cần quy định cụ thể nội hàm của quyền tự do báo chí của công dân cũng như nguyên tắc giới hạn quyền theo tinh thần Hiến pháp 2013; quyền bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình...

Theo Bộ Tư pháp, nội dung quy định về quyền tự do báo chí còn quá ít, trong khi đó, Dự thảo Luật lại tập trung quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu, điều kiện phóng viên thường trú… nên không bảo đảm sự cân đối giữa các nội dung của Luật.

Bên cạnh đó, quy định về bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình chưa giải quyết được tình trạng xâm phạm bí mật riêng tư trên các báo, nhất là báo điện tử hiện nay.

Liên quan những nội dung không được thông tin trên báo chí và việc dự thảo sung thêm “những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí” nhưng lại giao cho Chính phủ quy định, theo ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật, là chưa phù hợp tinh thần Hiến pháp.

“Quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Việc ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật là không phù hợp”, ông Phan Trung Lý nói./.