Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP.Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Tố tụng hình sự. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, đa số đại biểu thống nhất cao với những quy định của dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi.

Tuy nhiên, theo ý kiến một số đại biểu, đối với điều 35 của dự thảo luật, cần bổ sung các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong đó đề nghị bổ sung Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ này.

kiemngu_thku.jpg
Tàu kiểm ngư Việt Nam.

Bởi, gần đây tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển thì cần thiết giao cho cơ quan Kiểm ngư tiến hành một số hoạt động điều tra. 

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là cần thiết và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục về bảo quản, sử dụng kết qua ghi âm ghi hình trong quá trình điều ra, truy tố và xét xử.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án tòa án, các đại biểu đề nghị chỉ quy định Chánh án ra quyết định bằng văn bản về việc phân công thẩm phán, còn lại chỉ phân công “miệng” nhằm giảm thủ tục, hoặc nên giao cho các Chánh tòa (đối với Tòa án cấp tỉnh trở lên) quyết định phân công.

Về chi phí tố tụng (điều 132) có ghi chi phí cho bị hại, theo một số đại biểu là không hợp lý vì thực tế từ trước đến nay cơ quan tiến hành tố tụng không chi trả cho bị hại khi được mời.

Bên cạnh đó, đối với Hội đồng xét xử trong trường hợp bắt buộc có 5 thành viên cần quy định rõ để tránh hiểu nhầm.

Cụ thể đối với vụ án mà bị cáo bị truy tố, xét xử theo khung hình phạt chung thân hoặc tử hình thì Hội đồng xét xử gồm 2 thẩm phán và 3 Hội thẩm.

Liên qua đến vấn đề sửa đổi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng Giám đốc thẩm ông Nguyễn Thanh Thiên - Chánh án Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ cho biết: Hội đồng Giám đốc thẩm được quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như ở điều 393, nhưng “không gây bất lợi cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”.

Nhưng thực tế khi sửa ít nhiều sẽ gây bất lợi không cho bên này thì cũng bất lợi cho bên kia.

Ví dụ bản án có hiệu lực pháp luật buộc bị cáo bồi thường cho bị hại 100 triệu đồng, nhưng qua xem xét hội đồng giám đốc thẩm sửa còn 80 triệu đồng. Như thế sẽ gây bất lợi cho bị hại./.