Liên quan vụ 2 đối tượng nghi là trộm chó bị người dân vây đánh tử vong vào rạng sáng 6/10 tại địa bàn thôn 3 (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Cơ quan CSĐT Công tỉnh Đắk Lắk cho biết đang xác minh, điều tra làm rõ vụ việc nên chưa quyết định có khởi tố vụ án hay không. 

Cơ quan điều tra đã triệu tập hàng chục người dân ở thôn 2 và thôn 3 (nhà gần hiện trường) để lấy lời khai, tuy nhiên họ đều phủ nhận có liên quan đến sự việc.

trom_cho_zyyr.jpg
Hiện trường vụ người dân đánh chết 2 đối tượng nghi trộm chó, đốt xe máy tại thôn 3 (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: VTC)

Điểm đáng nói trong vụ việc, như lời ông Đinh Sĩ Thao - Trưởng thôn 3 (xã Ea Kao), tình trạng trộm chó đã xảy ra nhiều năm nay trên địa bàn xã khiến người dân vô cùng bức xúc. Các đối tượng trộm chó rất hung hãn, ngang nhiên vào nhà tháo xích bắt chó, nếu bị phát hiện sẵn sàng dùng hung khí đánh trả, đã có người dân bị chúng đánh trọng thương.

Lý do đó giải thích vì sao khi phát hiện 4 đối tượng đi vào thôn có biểu hiện của bọn trộm chó, người dân thôn 3 (xã Ea Kao) đã đánh kẻng báo động để dân trong thôn cùng truy bắt. Hậu quả, 2 đối tượng trong quá trình chạy xe vướng phải sợi dây do người dân căng ngang đường, ngã xuống đất, bị người dân vây đánh, đốt xe, 1 người tử vong tại hiện trường, 1 tử vong tại bệnh viện. Hai đối tượng khác may mắn thoát chết.

Đây không phải là lần đầu xảy ra việc những người nghi là trộm chó bị người dân đánh chết. Tháng 1/2015, 2 đối tượng gồm Trần Đức Kha (34 tuổi, trú tại thôn Đông Tân, xã Hồng Phong, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và Bùi Đình Đăng (34 tuổi, trú tại thôn 7, xã Nguyễn Huệ, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) trong lúc đang dùng thong lọng để trộm chó thả rông trên đường, đã bị người dân phát hiện, truy đuổi. 

Trên đường chạy trốn, Kha và Đăng đã sử dụng súng bắn đạn ghém mang sẵn theo từ trước bắn trả lại những người truy đuổi nhưng rất may súng không nổ và bị nhân dân bắt giữ. Tuy nhiên, sau khi bắt giữ được những người thực hiện hành vi phạm tội, một số đối tượng đã không dẫn giải đến bàn giao cho cơ quan công an mà kích động nhiều người khác tổ chức đốt cháy xe mô tô BKS 34C1-93.893 và tập trung đánh Kha và Đăng. Bị trận đòn hội đồng từ những người dân bức xúc, Trần Đức Kha đã tử vong trên đường đi cấp cứu, còn Bùi Đình Đăng bị đa thương tích.

Hai kẻ trộm chó bị người dân đánh gần chết, được công an giải vây, đưa đi bệnh viện cấp cứu. Vụ việc xảy ra ngày 25/10/2012 tại Quảng Bình. Ảnh minh họa: Internet

Đêm 19/12/2014, một vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Theo đó, người dân địa phương phát hiện 4 thanh niên đi xe máy trong làng, nghi là trộm chó nên đã tri hô vây bắt và đánh hội đồng, khiến 2 người chết, 2 bị thương. 

Nhiều luật sư đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước tình trạng gia tăng đáng báo động của những vụ người dân “tự xử”, đánh hội đồng làm chết người trong thời gian qua. Trên báo điện tử Người đưa tin, Luật sư Chu Bá Thực - Công ty luật Dân Việt - nhận định: “Vì bất cứ lý do gì, việc người dân đánh hội đồng khiến nhiều kẻ trộm chó thiệt mạng là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Người dân không thể dùng hành vi phạm pháp để tự ý xử lý một hành vi phạm pháp khác”.

Theo luật sư Thực, với quy định pháp luật hiện hành, những người tham gia đánh kẻ trộm chó đến chết sẽ bị khép vào tội “Gây thương tích, dẫn đến chết người” nếu họ chỉ dùng tay chân tác động vào nạn nhân. Trường hợp những người đánh hội đồng dùng hung khí như gậy, dao… tấn công làm nạn nhân chết thì sẽ bị khép vào tội “Giết người”. Cả hai trường hợp trên đều phải chịu mức án rất nặng. 

Ngoài tội giết người, các vụ “tự xử” kẻ trộm chó còn có dấu hiệu của các tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản (đốt xe máy của đối tượng trộm chó), gây rối trật tự công cộng…

Lý giải tình trạng người dân tự xử tăng mạnh trong thời gian gần đây, luật sư Thực cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do khó xác định thủ phạm chính để xử lý, dẫn tới một số đối tượng coi thường pháp luật, cố tình tham gia và kích động người khác đánh hội đồng làm kẻ trộm chó thiệt mạng.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng văn phòng luật sư Tâm Đức - cho rằng: “Cả làng quây đánh một người trộm chó đến chết là hành động coi thường pháp luật nghiêm trọng. Với xu hướng gia tăng như vừa qua, chắc chắn có những kẻ cầm đầu, kích động. Việc người dân vừa làm quan tòa, vừa làm người thi hành án là hành động không thế chấp nhận. Nếu cứ để người dân tự xử như vậy, xã hội sẽ loạn!”.

Bên cạnh sự coi thường pháp luật của một số người dân, luật sư Huỳnh nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan chức năng khi để xảy ra những vụ việc trên. Theo ông Huỳnh, chính việc chính quyền không xử nghiêm ngay từ đầu các trường hợp đánh hội đồng làm chết người đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tái diễn hành vi coi thường mạng người, vi phạm pháp luật.

Chung nhận định với hai luật sư ở trên, luật sư Nguyễn Tiến Trung – Giám đốc công ty luật Trung Nguyễn – cho rằng: “Nếu cơ quan chức năng phản ứng nhanh và xử lý cương quyết hơn thì có lẽ những vụ chết người do bị đánh hội đồng sẽ không xảy ra. Khi trên địa bàn xảy ra các vụ trộm chó, người dân bắt được thủ phạm thì cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng cử lực lượng xuống hiện trường giải quyết, tiếp nhận đối tượng người dân bắt giữ được”. 

“Làm như vậy sẽ tránh hoặc giảm thiểu được các trường hợp người dân vì bị thiệt hại về tài sản, vật nuôi mà bức xúc, mất bình tĩnh dẫn đến các hành động “giận quá mất khôn”, vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật như đánh chết người, phá hoại tài sản. Khi nhiều người dân đang trong cơn nóng giận bị kích động, lôi kéo vào các trận đánh hội đồng thì tình hình sẽ khó kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng như các vụ việc vừa qua”, luật sư Trung phân tích.

Đối với người dân bị mất trộm chó, các luật sư cũng đưa ra lời khuyên: Khi bắt được kẻ trộm chó, người dân cần hết sức bình tĩnh giải quyết. Sau khi khống chế đối tượng, người dân tuyệt đối không được “tự xử” mà cần giao nộp kẻ gian cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Làm như vậy vừa đúng quy trình pháp luật, vừa tránh để bản thân mình do vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà trở thành kẻ vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt nặng./.