Hôm nay (21/1), tại thành phố Hồ Chí Minh, phiên tòa sơ thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và 22 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục làm việc với phần đối đáp của các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát.

Nội dung được tranh luận “nóng” nhất của phiên tòa vẫn xoay quanh trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền gần 4.000 tỷ đồng cho các công ty, ngân hàng và doanh nghiệp bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt. Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nguyên đơn dân sự và bị hại đã đưa ra những luận cứ khẳng định tiền gửi từ các doanh nghiệp này vào Vietinbank là hợp pháp.

Mặt khác, đến ngày hôm nay, trên trang web của Vietinbank giới thiệu 15 sản phẩm tiền gửi có ghi rõ khách hàng được cung cấp dịch vụ thu chi tại nhà, nên theo các luật sư, việc giao dịch được thực hiện ngoài trụ sở của Vietinbank không trái quy định của luật cũng như của chính ngân hàng Vietinbank. Các đơn vị tin tưởng vào Huyền Như không phải là không có căn cứ như Viện Kiểm sát đã nêu, vì bị cáo Như thời điểm đó là người có chức vụ, quyền hạn của Vietinbank, được khen thưởng vì mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng.

Chính vì vậy, các luật sư cho trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất để khắc phục hẩu quả vụ án là Ngân hàng Vietinbank, vì Huyền Như là cán bộ quản lý, người đại diện chính thức của Vietinbank nên không thể nói “ngân hàng không biết, không tham gia các giao dịch” và khi nhân viên ngân hàng sai trái thì chính pháp nhân phải chịu trách nhiệm.

Tranh luận lại với các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát một lần nữa khẳng định quan điểm truy tố đối với các bị cáo, cũng như cho rằng ý thức của Như nhắm đến là chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp và chính sai sót của các đơn vị, bị hại này cùng sự tin tưởng thái quá vào Huyền Như đã tạo điều kiện thuận lợi cho Như lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Cho nên theo đại diện Viện Kiểm sát, Huỳnh Thị Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường chứ không phải Ngân hàng Vietinbank./.