Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Haiyan, từ đêm 14/11/2013 và cao điểm là ngày 15 và 16/11/2013, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông lên nhanh, có nơi vượt mức lũ lịch sử đã khiến nhiều địa phương khu vực hạ du thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung bị ngập lụt nghiêm trọng.

Đáng chú ý là trên hệ thống các sông khu vực miền Trung đang tồn tại nhiều công trình thủy điện, thủy lợi với nhiều hồ chứa lớn. Có ý kiến cho rằng, việc một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ đã gây ra ngập lụt lớn cho vùng hạ du.

Các hồ thủy điện có điều tiết giảm lũ

Tại cuộc họp đánh giá công tác vận hành hồ thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức có sự tham dự của các Bộ, ngành, đại diện một số các địa phương, các chủ hồ vùng lũ…, nguyên nhân lũ lụt lớn tại miền Trung và Tây Nguyên được chỉ ra không hẳn là do một số nhà máy thủy điện xả lũ mà còn liên quan đến công tác thông tin dự báo, nhận thức của người dân, công tác quy hoạch cũng như quy trình điều tiết - vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

td-(1)-ce178.jpg
Tràn xả lũ thủy điện Sông Ba Hạ. (Ảnh: Dân trí)

Như đánh giá của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), trong đợt lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa qua, các công trình thủy điện trên địa bàn đã đóng góp tích cực trong việc cắt giảm đỉnh lũ và lượng lũ, góp phần làm giảm mức ngập lụt cho vùng hạ du.

Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ thủy điện (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, các quy trình vận hành được phê duyệt đã phát huy hiệu quả trong việc xả lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.

“Sự chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan phòng chống lụt bão địa phương trong quá trình xả lũ đã được thực hiện theo quy định. Đối với các quy chế vận hành hồ chứa và đã được các chủ hồ thực hiện nghiêm túc. Nguyên nhân dẫn đến lũ lớn vẫn là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên đầu nguồn và lũ nhanh, mạnh ở cuối nguồn, nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử”, ông Quân cho biết.

Còn theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc vận hành các hồ chứa của các nhà máy thủy điện lớn tại khu vực miền Trung thời gian qua là theo đúng quy trình vận hành liên hồ cũng như từng hồ đã được phê duyệt, điều này hoàn toàn không làm gia tăng thêm lũ cho vùng hạ du.

Theo tính toán của EVN, trong đợt lũ lịch sử vừa qua, tại hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh trong 12 giờ đầu đã cắt giảm được 63% lượng nước lũ với dung tích 117m3 và hoàn toàn cắt đỉnh lũ 5.380 m3/s. Hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 đã cắt được tổng lượng nước lũ về hạ du 45,62 triệu m3. Trên lưu vực sông Ba, thủy điện Sông Ba Hạ đã cắt được tổng lượng nước lũ về hạ du là 34 triệu m3; Hồ An Khê, Ka Nak đã tiết giảm được khoảng 9,6% - 9,9% tổng lượng nước xả về hạ du…

Nhận định đúng tầm ảnh hưởng và tác động trực tiếp của thời tiết đến tình hình lũ lụt vừa qua tại miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thừa nhận, trong thời gian trước, trong và sau lũ, khu vực thượng nguồn trên hệ thống các sông thuộc miền Trung có cường độ mưa lớn chưa từng có trong lịch sử.

“Mưa xảy ra trên diện rộng tại toàn bộ các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên, nhưng có tâm mưa rất lớn ở Quảng Ngãi và Bình Định, đã gây ngập lụt lớn nghiêm trọng. Nếu so sánh cường độ và lượng mưa ở địa bàn Quảng Ngãi vừa qua với những năm 1999 và 2009 thì lượng mưa lớn hơn nhưng thời gian mưa lại ngắn hơn. Đặc biệt, nếu tính về cường độ mưa trong 6 giờ và 12 giờ liên tục thì đợt mưa này chưa từng có trong lịch sử”, ông Tăng cho hay.

Cũng theo ông Tăng, có một đặc điểm đáng lưu ý là năm nay mưa phân bố tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên không đều: Ở vùng hạ du mưa nhỏ, trong khi mưa vùng thượng nguồn lại lớn nên nhiều người ở vùng hạ du khi so sánh với những đợt mưa trước đã nghĩ rằng, lượng mưa lần này nhỏ hơn nhưng lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về lại lớn hơn là do thủy điện xả lũ.

Là địa phương hứng chịu nhiều tổn thất trong đợt lũ lụt vừa qua, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, lượng mưa lớn vừa qua diễn ra trong thời gian ngắn nên địa phương không thể lường trước và chủ động hết các phương án phòng chống. Trong khí đó, các hồ thủy điện đều vận hành đúng quy trình quy định.

“Địa hình duyên hải miền Trung độ dốc lớn, hệ thống rừng phòng hộ nhằm điều tiết lượng nước mưa nay hầu hết chuyển thành rừng kinh tế nên thời gian khai thác ngắn, rừng thưa và trống nhiều đã khiến lượng nước thượng nguồn về nhanh. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt khi tôn cao nền móng tại vùng hạ du đã trở thành những con đê nhân tạo gây ảnh hưởng đến công tác thoát lũ”, ông Thọ nhấn mạnh.

Rà soát quy hoạch, quy trình và dự báo

Đứng trước những diễn biến khó lường của thời tiết, công tác thông tin, dự báo được xem là quan trọng nhằm chủ động ứng phó với bão lũ tại khu vực miền Trung. Đặc biệt, quy trình vận hành hồ chứa, điều này càng cần phải được chú trọng và thường xuyên liên tục.

Theo ông Bùi Minh Tăng: “Chính người dân vùng lũ lại không thể biết được tình hình mưa lũ cụ thể là thế nào, vì vậy công tác thông tin đến với người dân cần phải xem lại, trong khi chúng ta có cả hệ thống phòng chống lụt bão từ Trung ương tới cơ sở mà người dân lại không hay biết. Do đó, khi luôn sống chung với thiên tai người dân cần thông tin kịp thời và chuẩn bị đầy đủ các phương án để chạy lũ”.

Một số ý kiến tham dự cũng cho rằng, mặc dù vận hành đúng quy trình, nhưng việc xả lũ của hồ thủy điện không đúng thời điểm cũng góp phần tạo dòng chảy hạ lưu mạnh hơn do hiệu ứng của thác nhân tạo. Do đó, các quy trình vận hành hồ cần phải qua vận dụng, kiểm nghiệm thực tế để điều chỉnh tìm ra biện pháp tối ưu nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đặc điểm của miền Trung chỉ có thể tiết giảm, làm chậm lũ chứ để cắt hoàn toàn lũ là điều không tưởng và hơn lúc nào hết, mọi người đều phải chủ động.

“Chúng ta nên điều chỉnh việc điều tiết nước theo mùa chứ không theo dự báo. Cụ thể là đóng xả mực nước hồ theo thời gian cố định ở một thời điểm nhất định sẽ chủ động hơn trong việc điều tiết”, ông Quang đề xuất.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến quan ngại khi công tác dự báo hiện nay còn nhiều bất cập, bởi đã là thông tin dự báo khi đưa vào quy trình vận hành cụ thể sẽ là không chắc chắn. Việc điều tiết nước hồ thủy điện nếu không được tính toán kỹ lưỡng, sẽ không chỉ dẫn đến thiếu điện mà còn khó khăn cho sản xuất, đời sống của người dân vùng hạ du.

Ngoài ra, các ý kiến đều cho rằng cần chú trọng hệ thống cảnh báo, thông tin cơ sở sẽ hữu dụng hơn những phương tiện thông tin đại chúng trong những lúc lũ lụt sẽ khiến người dân khó tiếp cận. Đồng thời cần thiết phải bổ sung hệ thống quan trắc cho tuyến dưới, hệ thống phòng chống lụt bão tại địa phương cũng cần phát huy hết hiệu quả.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, không thể cắt lũ hoàn toàn tại các hệ thống thủy điện, thủy lợi miền Trung. Giải pháp hơn hết là quy định lại quy trình tích nước các hồ. Ngoài ra, công tác vận hành dự báo vẫn phải chính xác phục vụ cho quy trình vận hành từng hồ, như vậy Chủ hồ liên tục phải làm tốt, nâng cao năng lực dự báo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác quy hoạch thủy điện và đánh giá tích cực vai trò của việc đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, cần thiết phải bổ sung, thay đổi sao cho ngày càng phù hợp.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đối với công tác quy hoạch cần thiết phải rà soát đánh giá đúng và đủ các tiêu chí đã đề ra, bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác trồng rừng, di dân tái định cư; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp điều tiết, vận hành hồ chứa mùa lũ cũng như mùa khô đảm bảo phát điện và sản xuất sinh hoạt.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp tốt hơn trong công tác quản lý các công trình thủy điện, kịp thời phát hiện những sai phạm để xử lý. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, nhất thiết phải có đủ cầu, cống nhằm thoát nước nhanh trong mùa mưa lũ./.