Việc xả lũ cộng hưởng với lượng mưa lớn nên đã xảy ra ngập lụt nặng trên diện rộng tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, vùng hạ lưu sông Ba |
Trong đó, lúc cao điểm, thủy điện An Khê – Ka Nak xả lũ với lưu lượng đến 2.500m3/s. Mặc dù từ đêm 15/11, lưu lượng xả lũ của thủy điện An Khê – Ka Nak đã giảm xuống còn 1.600m3/s, nhưng ngập lụt tại vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai vẫn chưa bớt căng thẳng. Cho đến 8h sáng 16/11, cả một vùng rộng lớn phía hạ nguồn sông Ba vẫn bị ngập trắng.
Huyện Kbang là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của mưa lũ khi đã có hai người bị lũ cuốn, mới tìm được thi thể một người. Tiếp theo là thị xã An Khê. Đêm 15/11, lũ trên sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê đã trên báo động ba là 3,65m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1981 là 1,67m; hàng chục nhà dân trên địa bàn thị xã bị ngập lút mái; tỉnh lộ 669 nối huyện Kbang với thị xã An Khê bị ngập lụt chia cắt. Cầu sông Ba (ngay cửa ngõ thị xã An Khê) bị ngập khiến giao thông trên Quốc lộ 19 đoạn qua thị xã bị ách tắc khoảng 6 giờ đồng hồ. Cùng với đó, toàn bộ các ngả đường của thị xã cũng ngập sâu trong nước nhiều giờ liền.
Mưa lớn còn làm sạt lở đèo An Khê trên Quốc lộ 19. Từ tối 15/11, tỉnh Gia Lai đã huy động các phương tiện, thiết bị đến khắc phục nhưng đến 5h sáng 16/11 vẫn chưa thể thông đèo.
Ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đang trực tiếp đi chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại thị xã An Khê cho thêm: "Ngày 15/11, sạt lở ở đèo An Khê. Đến tối cùng ngày, Sở đã điều động máy đào, máy ủi để thông xe nhưng đến sáng 16/11 vẫn chưa xong. Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh và các ngành cùng đi chỉ đạo, huy động lực lượng công an, dân quân giúp dân san đường để thông đường và khắc phục lũ lụt"./.