Theo dõi kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, cử các tỉnh Tây Nguyên rất quan tâm đến các nội dung thảo luận về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm và kiến nghị các vấn đề liên quan đến tái định canh, định cư sau các dự án thủy điện, vì đây là vấn đề “nóng” ở khu vực trong nhiều năm qua.

dat-tai-dinh-cu.jpg
Hệ lụy mất đất canh tác sau xây thủy điện 

Gia đình ông Đinh Grươm, dân tộc Ba Na, là một trong hơn 90 hộ dân ở làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai phải nhường đất để xây dựng thủy điện An Khê – Ka Nak. Hơn 3ha của gia đình đã ngập trong lòng hồ. Ban quản lý thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam) có cam kết đền bù thỏa đáng nhưng cuối cùng chỉ giao 8 sào đất bạc màu, lại bị nhiều người tranh chấp. Ông Grươm kiến nghị: “Bà con mình bây giờ là quá khó khăn, thiếu thốn, nương rẫy không có. Nhà nước phải chuyển mình chỗ khác mới được, quan tâm dân làng”.

Ông Đinh Lộc, một đảng viên ở làng Groi cho biết, đã hơn 7 năm kể từ khi dân làng bị thu hồi đất để xây dựng thủy điện An Khê-Ka Nak, việc bố trí đất sản xuất cho bà con vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều gia đình trở nên nghèo đói: “Tôi yêu cầu Ban 7, huyện, thị trấn làm sao mà ngắn gọn cho dân, đời sống của dân là rất phức tạp cho nên là phải khẩn trương tìm lại đất cho đàng hoàng cho dân, đảm bảo cho dân ổn định đời sống, để dân phát triển kinh tế”.

Theo ông Hồ Trung Hưng – Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kbang, chính sách đền bù-tái định cư theo nguyên tắc đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đến nay vẫn chưa đi vào thực chất. Một trong những lý do là phương án đền bù-tái định canh-định cư đã lập trước đó không có tính khả thi cao. Ông Hồ Trung Hưng cho rằng, để khắc phục tình trạng này thì trước khi thu hồi đất phải xây dựng phương án tái định canh, tái định cư trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt rồi mới triển khai thực hiện: “Tránh tình trạng như dự án thủy điện An Khê – Ka Nak, đã nút cống hồ chứa từ tháng 9/2010 và hiện nay đã phát điện nhưng mà cho đến nay còn thiếu khoảng 140ha đất sản xuất chưa tìm nguồn để giải quyết cho bà con được. Trong đó, làng Groi của thị trấn Kbang hiện nay là có 92 hộ đến nay vẫn chưa được giải quyết thiếu đất sản xuất, làm cho bà con nhân dân rất bức xúc và chính quyền địa phương chúng tôi cũng rất bức xúc”.

Thu hồi đất sản xuất của người dân để phục vụ các dự án nói chung và các dự án thủy điện nói riêng phải tính toán đến sinh kế của người dân, phải đảm bảo  người bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đó là  chủ trương, yêu cầu đã đặt ra từ lâu. Nhân kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, cử tri Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét kỹ vấn đề để chủ trương này được thực hiện nghiêm túc./.