Mưa lớn trong mấy ngày qua khiến các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục tăng lưu lượng xả lũ để đảm bảo oan toàn hồ chứa. Điều này khiến mực nước trên các sông suối trên địa bàn tăng nhanh, hiện đã gây ngập cầu, tắc đường và có thể tiếp tục gây ngập lụt nặng trên diện rộng. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang tập trung các biện pháp ứng phó.
Thượng úy Nguyễn Văn Bình, cán bộ thuộc đội giao thông Công an Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đang làm nhiệm vụ ở khu vực cầu sông Ba cho biết, nước lũ đã làm ngập cầu sông Ba hơn 1m, kéo dài hơn 150m, giao thông trên Quốc lộ 19 bị ách tắc từ 17h. Hiện nay thủy điện An Khê – Ka Nak vẫn tiếp tục xả lũ nên ách tắc giao thông trên Quốc lộ này sẽ còn kéo dài.
“Tất cả phương tiện dừng hết rồi, trên đường thì ngập lụt, nước sông Ba thì cao hơn cầu khoảng 1m rồi. Lực lượng quân đội, cảnh sát cơ động, dân quân đang căng dây sơ tán dân hai bên đầu cầu”, Thượng úy Nguyễn Văn Bình cho biết.
Thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ 2.400m3/s, khiến nước sông Ba dâng nhanh và có khả năng gây ngập lụt nặng trên diện rộng |
Mưa lũ hiện làm sạt lở đèo An Khê (trên Quốc lộ 19) và đang gây chia cắt giao thông trên tỉnh lộ 669 nối giữa huyện Kbang và thị xã An Khê. Nhiều nơi trên tỉnh lộ 669, nước đã ngập đến nóc nhà dân.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ 14/11, các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai như Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa và hai thị xã An Khê, Ayun Pa có mưa to đến rất to.
Các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn đã liên tục tăng lưu lượng xả lũ. Trong đó, thủy điện An Khê – Ka Nak hiện đã xả tới 2.400m3/s, hồ thủy lợi Ayun Hạ xả khoảng 200m3/s. Việc xả lũ cộng hưởng với lượng mưa lớn được dự báo sẽ gây ngập lụt nặng trên diện rộng tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, vùng hạ lưu sông Ba.
Để chủ động ứng phó, một số địa phương đã chủ động di dời dân ở vùng trũng đến nơi an toàn. Ông Hồ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban phòng chống lụt bão thị xã Ayun Pa, vùng rốn lũ của tỉnh Gia Lai cho biết: “Thủy điện Ka Nak có báo là đến 4h30 xả đến 2.400m3/s. Lần xả lũ trước là 1.000-1.100m3/s thì trên báo động cấp 3 là 40cm rồi. Giờ xả lên tới 2.400m3/s cộng với cả Ayun Hạ thì chắc chắn như trận bão số 11 năm 2009, mực nước lịch sử chứ không ít. Mức độ xả lũ kiểu đó thì nước dâng lên rất nhanh, cho nên, ngay từ 10h, địa phương đã di dời khoảng 50 hộ dân ở các vùng trũng”.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Krông Pa cho biết: “Thông báo xả lũ của An Khê – Ka Nak lúc hơn 17h thì báo khoảng 3.000m3/s. Chúng tôi cũng đang chủ động, các thành viên ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đang đi các xã, trực phòng lũ đột ngột. Hiện nay các khu vực thôn buôn, các xã dọc sông Ba cũng tổ chức ứng trực để theo dõi mực nước lên để chủ động sơ tán dân.”
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, trong 24h tới, lượng mưa trên vùng Đông Gia Lai sẽ giảm. Tuy nhiên, việc xả lũ với với lưu lượng lớn, ngập lụt nặng vẫn có thể xảy ra trên diện rộng.
Ông Phạm Vũ Tuấn, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên cho biết: “Đêm nay và sáng sớm mai (16/11), mực nước trên sông Ba tại An Khê có khả năng đạt đỉnh ở mức vượt báo động 3 là 4m, còn tại Ayun Pa thì vượt mức báo động Ba từ 2-2,5m. Cần đề phòng ở những vùng trũng. Lượng nước xả lớn như vậy thì khả năng vùng trũng ven sông Ba tiếp tục xảy ra ngập lụt và hiện tại đã ngập lụt rồi.”./.