Từ đêm qua (17/11), tại tỉnh Gia Lai mưa đã giảm đáng kể, một số nơi đã tạnh hẳn, nước lũ trên các sông suối đã rút, người dân dọc vùng hạ lưu sông Ba bắt đầu trở về nhà dọn dẹp và khắc phục hậu quả. Nhiều người dân và chính quyền địa phương cho rằng, phần lớn thiệt hại đã bắt đầu từ việc xả lũ của thủy điện An Khê- Kanak.

rung-bach-dan-do-rap.jpg
Rừng cây bạch đàn đổ rạp

Làng T’Nang (xã Yang Trung, huyện Kong Chro) ở trên khu vực rất cao so với sông Ba và đã yên ổn suốt mấy chục năm. Nhưng đến ngày 15/11 vừa qua, nước lũ sông Ba tràn về dữ dội, hàng chục hộ dân chỉ kịp chạy thoát thân, đứng nhìn toàn bộ của cải bị cuốn trôi. Nước lũ rút đi, ngôi làng, ruộng đồng của bà con ở đây trở nên hoang tàn. Anh Đinh Rơch, một người dân ở làng T’Nang nói:  “Gặt lúa xong để trong bạt nước cuốn trôi, mất nhiều lắm. Bà con mong được hỗ trợ gạo ăn, vì chúng tôi mất trắng không còn gì”.

Cùng với Kong Chro, dọc theo sông Ba từ huyện Kbang, thị xã An Khê cho đến các huyện Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, những ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt đều hiện rất rõ. Rất nhiều ruộng lúa, vựa ngô, thậm chí cả rừng cây bạch đàn cũng đổ rạp vì bị lũ cuốn. Nhiều căn nhà còn ngập đầy bùn rác, một số được xây kiên cố nhưng cũng bị nước lũ xô đổ. Đến thời điểm này, vẫn chưa có thống kê chính xác những thiệt hại, nhưng chắc chắn số thiệt hại sẽ không nhỏ.

Rẫy lúa sau lũ dữ

Điều đáng nói, các địa phương bị thiệt hại trong lũ dữ lần này, đều cho rằng lũ lớn là do việc xả lũ của thủy điện An Khê – Kanak.

Ông Trần Biểu, Chánh Văn phòng UBND huyện Kong Chro, nói: “Phần lớn do thủy điện xả lũ. Trên địa bàn huyện, mưa không lớn lắm, cho nên việc xả lũ quá lớn dẫn đến ngập úng một số nơi dọc sông Ba của huyện. Vấn đề hỗ trợ, đền bù thiệt hại do ngập úng vừa qua, chắc chắn UBND huyện sẽ tổng hợp và đề nghị UBND tỉnh có hướng giải quyết cũng như làm việc với Công ty thủy điện An Khê – Kanak.”

Còn theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Krông Pa, đây không phải là lần đầu tiên, mà đã rất nhiều lần việc xả lũ thiếu trách nhiệm của thủy điện An Khê – Kanak đã gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân. Trong năm nay, xả lũ từ thủy điện này hồi bão số 10 cũng đã gây nhiều thiệt hại: “Khi xả lũ cả cơ quan quản lý nhà nước đến nhân dân hoàn toàn bị bất ngờ. Vì họ không báo trước. Ban phòng chống lụt bão tỉnh họ cũng không nắm được tình hình xả lũ. Thủy điện An Ka – Kanak về quy trình phải báo cho các địa bàn, địa phương phía hạ lưu”./.