Năm 1994, vợ chồng ông Thái - bà Xuân quyết định chuyển gia đình từ thôn Phú Mỹ (xã Tây Phú) vào đất rẫy do ông bà để lại nằm sát chân núi thuộc thôn Phú Lâm (xã Tây Phú, H.Tây Sơn, Bình Định) sinh sống. Diện tích đất rẫy rộng lớn nhưng hai vợ chồng chỉ trồng rừng và trồng mít, chuối... nên thu nhập không cao. Sau một thời gian canh tác, nhận thấy vùng đất đồi núi này màu mỡ, lại gần nguồn nước tưới tự nhiên nên ông Thái bàn với vợ phát triển kinh tế trang trại. Bao nhiêu tiền bạc đã tích lũy được đều đem ra sử dụng vào việc đầu tư trang trại.
Vườn tiêu của gia đình ông Thái |
Năm 1998, vợ chồng ông Thái trồng 3 ha chanh. Nhờ đất tươi tốt, lại chủ động được nguồn nước tưới nên cây chanh phát triển nhanh, vài năm sau đã cho quả. Giai đoạn này chanh bán được giá nên cho thu nhập cao. Tuy nhiên, trận lũ lớn năm 2005 đã khiến vườn chanh của gia đình ông Thái chết sạch. Không nản chí, ông Thái quyết định trồng măng điền trúc để thay thế vườn chanh cũ. Ông còn đầu tư trồng huỳnh đàn, trồng mít tố nữ hạt lép giống Malaysia, chuối tiêu... Sau đó, ông Thái tận dụng khoảng 400 gốc huỳnh đàn để thả hồ tiêu. Ngoài ra, vợ chồng ông còn chăn nuôi bò, gà thả vườn... để tăng thêm thu nhập.
Năm 2013, sau một trận lũ, ông Thái bắt được 2 con dúi đang đào hang ăn rễ tre trong trang trại nên đem về nuôi thử. Vài tháng sau, cặp dúi này đẻ ra 3 con. Nhận thấy dúi dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là rễ tre, măng tre, các loại củ quả... nên ông quyết định nuôi quy mô hơn. Sau nhiều lần xuất bán, hiện đàn dúi của ông còn 25 con. “Dúi nuôi tròn 1 năm có trọng lượng khoảng 1,4 - 1,5 kg/con, giá thị trường trên dưới 400.000 đồng/kg. Thịt dúi là đặc sản, ăn rất ngon nên thị trường đang tiêu thụ mạnh. Con này dễ nuôi mà đem lại thu nhập khá nên tôi sẽ đầu tư để nuôi thêm”, ông Thái nói.
Hiện vợ chồng ông Thái chia đất tại trang trại của mình thành 2 khu chính: khu trồng rừng kinh tế (rộng 46 ha) và khu trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP (10 ha).
“Chúng tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân xanh trong quy trình sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho cây trồng và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Tuy tốn nhiều công sức, chi phí nhưng việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP sẽ đem lại sức khỏe cho gia đình tôi và người tiêu dùng”, ông Thái nói.
Đến nay, sản phẩm nông nghiệp từ trang trại ông Thái được cung cấp ổn định cho chợ đầu mối ở H.Tây Sơn và một số thương lái ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… Trong năm 2015, vợ chồng ông bán 18 tấn măng điền trúc, 12 tấn mít tố nữ, 200 kg tiêu, 5 con bê, 20 con dúi, 500 con gà thả vườn và 500 tấn gỗ keo lai, 6 cây sưa đỏ (15 triệu đồng/cây)... lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của ông còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân H.Tây Sơn, cho biết trang trại của ông Thái có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất nhì tại H.Tây Sơn. Nhờ dám nghĩ, dám làm, biết tìm tòi, nghiên cứu nên vợ chồng ông đã thành công trong việc sản xuất ra các sản phẩm nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông được UBND H.Tây Sơn, Hội Nông dân tỉnh Bình Định và Trung ương Hội Làm vườn VN tặng bằng khen và công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia./.
Tự tạo cơ hội: Thoát nghèo nhờ sầu riêng
Chính nhờ trồng sầu riêng mà hiện nay đã có nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu...