Với 5 công đất trồng sầu riêng và xử lý cho cây ra trái nghịch mùa thành công, mỗi năm ông Nguyễn Văn Thắm (56 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, H.Cai Lậy, Tiền Giang) thu nhập hàng trăm triệu đồng.

sau_rieng_uskw.jpg
Ông Thắm đang xử lý, cắt bỏ bớt trái sầu riêng

Ông Thắm kể cách đây vài chục năm, vùng này đất đai mênh mông nhưng người dân chủ yếu làm ruộng và vườn tạp nên đa số đều nghèo. Gia đình ông cũng vậy. Nhà có 5 người, khi vợ chồng ông ra riêng được cha mẹ cho 3 công ruộng. Sau khi đắp cái nền nhà mất hết nửa công đất, phần còn lại vợ chồng ông làm ruộng và trồng rẫy. “Vì thiếu vốn, ít kinh nghiệm nên mỗi khi thu hoạch xong vợ chồng tôi còn dắt nhau qua tỉnh Long An mướn ruộng làm thêm. Hồi đó, người ta cho trâu cày ruộng còn vợ chồng tôi thì tự xới đất bằng tay để... tiết kiệm. Nhưng đất ít, lại chỉ độc canh cây lúa nên dù lao động cật lực nhưng không có dư được bao nhiêu”, ông Thắm bồi hồi kể lại.
Từ nguồn vốn vay mượn ban đầu, ngoài làm ruộng, vợ chồng ông Thắm nuôi thêm heo. Gần một năm sau, ông bán heo mua thêm được 1 công ruộng rồi lên liếp, trồng sầu riêng. Khởi đầu, ông Thắm tập làm “nhà vườn” với 15 gốc sầu riêng. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây ra trái khi thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Sau trận lũ lịch sử năm 2000, nước rút cạn thì vườn sầu riêng nhà ông tự đơm bông sớm và năm ấy gia đình ông có thu nhập kha khá. Bấy giờ, với giá 25.000 đồng/kg, cứ sau mỗi đợt bán sầu riêng thì ông để dành tiền sắm vàng rồi mua thêm được 2 công đất, nâng diện tích khu vườn của ông lên được 0,5 ha.
Có thêm đất canh tác, ông Thắm tiếp tục lên liếp rồi trồng thử nghiệm thêm các giống sầu riêng mới như: Ri-6, Monthong... Nhờ vậy, từ một nông dân nghèo phải đi thuê ruộng để làm thêm, ông Thắm bắt đầu “phất lên” với thu nhập trung bình mỗi năm vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đặc tính của cây sầu riêng là mỗi năm chỉ cho trái một lần, nếu muốn có trái bán thường xuyên và giá cao thì phải xử lý ra hoa nghịch vụ. Nghĩ là làm, ông Thắm lại nghiên cứu, xử lý kỹ thuật để sầu riêng ra hoa nghịch vụ và đã thành công. Trong hai năm 2014 - 2015, ông “trúng đậm” với sầu riêng nghịch vụ.
Theo ông Thắm, nói thì nghe dễ vậy nhưng trồng sầu riêng cực lắm: “Ngày nào cũng có chuyện làm, từ chăm sóc, bón phân, tưới nước đến xử lý ra hoa, phải luôn theo dõi sát sao”. Sầu riêng là loại cây rất khó tự thụ phấn, vì vậy nông dân phải làm công việc thụ phấn cho cây. Ví dụ đặc tính của sầu riêng trổ hoa vào ban đêm, từ 19 - 21 giờ là thời điểm đậu trái nên nông dân phải... quẹt phấn. Khi hoa nở bung ra phải tới từng cây rọi đèn pin rồi dùng chổi lông quơ qua, quơ lại cho phấn dính vào nhụy thì mới đậu trái. Còn nếu để qua giờ đó thì không kết quả.
Với kinh nghiệm tích lũy được, ông Thắm được bà con nông dân bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ấp Bình Hòa A. Vào ngày 25 mỗi tháng, các tổ viên họp một lần để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, xử lý kỹ thuật, làm thế nào để sầu riêng đạt năng suất cao.
Ngoài ra, để cho sầu riêng có thị trường tiêu thụ ổn định, bán được giá cao, nhiều năm qua ông Thắm đã tích cực vận động, đồng thời trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân trong tổ hợp tác thực hiện quy trình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng hóa chất. Dù thuộc khu vực nông thôn nhưng hiện đất trồng sầu riêng (đang cho thu hoạch) tại Tam Bình giá khoảng 600 triệu đồng/công (1.000 m2), còn đất mới trồng thì khoảng 300 triệu đồng/công.
Chính nhờ trồng sầu riêng mà hiện nay đã có trên 50% số hộ thoát nghèo và làm giàu (khoảng 3.000/4.497 hộ toàn xã). Trong đó có trên 30 hộ ở các ấp Bình Hòa B, Bình Hòa A, Bình Ninh... được xem là “tỉ phú sầu riêng”./.