Nguyễn Trí Quang cho biết phòng bảo tàng 3D này chứa khoảng 100 mẫu 3D, trong đó có khoảng 30 cổ vật đặc sắc của VN. Vào căn phòng nhỏ này, khách tham quan có thể thu nhỏ để xem toàn cảnh, hoặc phóng lớn xem cụ thể từng họa tiết, hoa văn của hiện vật, với nhiều thông tin về lịch sử ra đời các hiện vật... chỉ bằng vài click chuột máy tính.
Tại đây, ta bắt gặp nhiều hiện vật quý như: tượng Ngọc Hoàng (chùa Sùng Ân, Hải Dương) do nghệ sĩ cung đình Hầu Tô Phú Vượng tạc theo chân dung vua Lê Cảnh Hưng; bộ cửa võng hơn 300 năm tuổi tại đình Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội; cửa rồng (chùa Keo, Thái Bình); tượng hộ pháp Trừng Ác, hộ pháp Khuyến Thiện (chùa Sùng Ân); tượng ông Phỗng (đền Bảo Hà)...
Phòng bảo tàng 3D của Nguyễn Trí Quang - Ảnh: Vr3d.vn. |
Khách tham quan cũng được chiêm ngưỡng những linh vật Việt như: nghê đá (lăng Họ Ngọ), đầu rồng đá (khu di tích Lam Kinh), phù điêu sấu chầu (lăng Vũ Hồng Lượng), phù điêu nghê gỗ (đền Độc Bộ)...
Theo Trí Quang, đây là dạng bảo tàng ảo 3D đầu tiên với công nghệ ở trên tầm ảnh 3600.Trước đây các bảo tàng ảo khác chỉ dùng ảnh panorama 3600, không phải 3D thật sự.
“Sau khi thấy công nghệ VR3D của mình đã trở nên vượt trội so với các kỹ thuật tương tác khác, mình đã làm thử phòng bảo tàng này để thử nghiệm. Ý tưởng nghệ thuật của phòng trưng bày này được mình mường tượng như một thiên đình VN thu nhỏ” - Nguyễn Trí Quang chia sẻ.
Những mẫu tượng ở bảo tàng ảo đã được Trí Quang và gia đình sưu tập bằng cách quét 3D từ rất lâu. Gần đây Quang có ý định làm một phòng bảo tàng ảo nên bắt tay vào xử lý, lập trình mất khoảng hai tháng mới hoàn thành.
Về tính ứng dụng thực tế của phòng bảo tàng 3D, Quang nói: “Đối với ngành bảo tàng, công nghệ này sẽ giúp giới thiệu, quảng bá các cổ vật, bộ sưu tập một cách đẹp và thú vị hơn, thu hút các khách tham quan đến với bảo tàng.
Ngoài ra còn có thể tạo ra kho lưu trữ số, bảo tồn các cổ vật trong không gian số, không bao giờ bị hư hỏng theo thời gian. Các nhà nghiên cứu, giáo viên, học sinh có thể sử dụng phiên bản số của mẫu vật, không cần phải trực tiếp tiếp xúc với mẫu thực, và đó cũng là một nguồn đáng tin cậy khi phục dựng cổ vật.
Thậm chí bảo tàng còn có thể trưng bày được những hiện vật quá lớn không phù hợp với không gian trưng bày hoặc quá nhiều hiện vật không đủ chỗ để trưng bày, những cổ vật nhạy cảm, dễ hư hỏng hay những cổ vật đã hư hỏng, mất mát đã được số hóa trước đó...”.
So sánh với những mẫu linh vật, cổ vật trước đây đã được quét 3D, Trí Quang cho rằng:“Phòng bảo tàng này về mặt kỹ thuật là ở một cấp độ cao hơn rất nhiều so với việc trưng bày từng mẫu quét 3D đơn lẻ trước đây. Chẳng hạn như xét về tốc độ tải, dù số lượng mẫu gấp vài chục lần nhưng tốc độ tải vẫn rất nhanh, gần như không có thời gian chờ đợi...”./.
Anh Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm “Đình làng Việt”, cho biết trong giai đoạn hiện nay, số lượng khách tham quan bảo tàng thật ở VN chưa nhiều, thì phòng bảo tàng ảo 3D của Trí Quang sẽ rất hữu ích trong việc giáo dục di sản.
“Những hiện vật trong phòng bảo tàng này được quét 3D nên hình ảnh, màu sắc đều rất chân thật, kèm theo các thông tin về hiện vật, sẽ cung cấp cho người xem những kiến thức hữu ích về di sản. Các bảo tàng VN nên tận dụng công nghệ phòng bảo tàng 3D này của Trí Quang, phục vụ việc số hóa và giáo dục di sản” - anh Nguyễn Đức Bình nêu ý kiến.