Đây là những nỗ lực nhằm “trả lại” nhan sắc cho một tuyệt tác kiến trúc Roman - Gothic, vốn góp phần tôn vinh vẻ đẹp không gian đô thị trung tâm TP.HCM. Những ngày gần đây, quá trình trùng tu, tôn tạo được khởi động bằng sự xuất hiện của hệ thống hàng rào kiên cố rào chắn xung quanh khuôn viên. Linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM kiêm Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, thông tin: “Trước đây, tôi có thực hiện một số công trình cho giáo phận và hội đồng giám mục nhưng khi được giao cho công việc trùng tu nhà thờ Đức Bà, tôi lo lắng thực sự, vì đây là di tích Công giáo, một công trình kiến trúc vô giá của TP.HCM nên phải cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Lo lắng vô cùng”.
Từ tháng 7 - 12/2015, nhà thờ bắt đầu nhờ Công ty Sài Gòn Kiểm Định khảo sát và đánh giá hiện trạng, sau đó giao Công ty Việt Kiến Trúc tiến hành khảo sát chi tiết và ghi vẽ hiện trạng trong 10 tháng. Nhiều ý kiến đề nghị quá trình cải tạo không được làm ảnh hưởng đến kết cấu gạch đá hiện hữu, dễ gây nguy cơ sập đổ nhà thờ. Cuối cùng Công ty Thép Việt (Bình Dương) đáp ứng đầy đủ những tiêu chí đặt ra nên được chọn là nhà thầu thi công nhà thờ.

18a_xhhd_rmqq.jpg
Đồ họa: Hoàng Đình/Ảnh: Độc Lập - T.L
Đi châu Âu mua vật liệu xây dựng
Năm 2015, khi còn là Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, ông Lê Tôn Thanh trong một cuộc họp có gợi ý: “Khi tiến hành trùng tu nhà thờ Đức Bà, dù khó khăn đến mấy cũng nên qua Pháp tìm lại các hãng tôn, ngói ngày xưa để mua vật liệu về làm cho đồng bộ”. Vì vậy, tháng 10/2016, linh mục Hồ Văn Xuân đến làng Bray-et-Lû, nơi duy nhất ở Pháp chuyên sản xuất tôn kẽm ngày xưa, để tham quan và tìm hiểu vật liệu lợp lại hai tháp nhọn ở phía trên hai tháp chuông. Cuối cùng, loại tôn kẽm Azengar và máng xối sản xuất tại Nhà máy Vmzinc (thuộc Tập đoàn Umicore, Bỉ) đặt tại làng Bray-et-Lû được chọn.
Sau đó để tìm loại ngói mũi tên quý hiếm, linh mục Hồ Văn Xuân phải nhờ một lái xe taxi “thổ địa” người gốc Gia Định (Sài Gòn) đưa đến Roumazières-Loubert, cách làng Bray-et-Lû tới 550 km ngay trong đêm để sáng sớm tìm đến Hãng ngói Monier. Linh mục Xuân cho biết: “Nhìn thấy loại ngói Marseille (ngói mũi tên) giống y chang ngói cần lợp mái trên của nhà thờ bên mình tôi mừng ơi là mừng. Người phát run vì sung sướng. Loại này họ bảo hành tới 30 năm nên rất yên tâm. Đặt gần 28.000 viên, tôi quay ngay về lại Paris, khảo sát một số chỗ làm về kính màu. Rất may khi đi, nhờ sự cho phép của hải quan nên tôi mang được các loại tôn, ngói, kính màu cũ... của nhà thờ sang để so sánh khiến mọi việc nhận diện vật liệu khá nhanh chóng và dễ dàng”.
Ngày 24/10/2016, linh mục Xuân tiếp tục qua Đức, đến Hüllhorst tìm Hãng sản xuất ngói Meyer-Holsen để mua ngói vảy cá lợp cho mái dưới, đồng thời nhờ Công ty Eurohaus đặt giúp ngói âm dương. Tuy nhiên, do phải làm khuôn cho loại ngói âm dương quá hiếm này nên giá thành hơi cao, vì vậy toàn bộ chi phí cho 3 loại ngói dùng hết khoảng 10 tỉ đồng. Nhà thờ cũng quyết định nhập toàn bộ vữa từ Đức về để trét những chỗ hở khi lợp ngói cho kín và đồng bộ.
“Còn hệ thống máng xối, Công ty Vmzinc cam kết sẽ làm tốt nhất, thay vì mạ tôn kẽm như bình thường họ sẽ sử dụng toàn bộ bằng inox rồi làm lại cho mờ đi giống y màu máng xối nhà thờ. Đội ngũ kỹ sư giỏi của đơn vị này cũng đã hai lần qua khảo sát tận nơi và đã trao đổi với bên thi công để cho hài hòa, cùng thống nhất tiến độ thực hiện và cung cấp vật liệu”, linh mục Xuân cho biết.

Ngói mũi tên nhập từ Pháp đã về VN Ảnh: Quỳnh Trân
Chuông mới có 1.000 bản nhạc
Bên trong hai tháp chuông có 6 quả chuông đồng lớn được Hãng Bollée chế tác năm 1879 tại Pháp với những đường nét, họa tiết rất tinh xảo. Ban trùng tu nhà thờ Đức Bà mời 3 công ty chuyên đúc chuông của Pháp là những tên tuổi rất nổi tiếng: Paccard, Cornille, Bollée qua khảo sát, tư vấn việc sửa chữa phần bị hư hỏng vào năm 1978. Sau khi so sánh, cân nhắc rất kỹ, nhà thờ quyết định hợp tác với Bollée, chính là công ty đã đúc 6 quả chuông trước đây, đồng thời bàn bạc mua thêm hai chuông mới, quả lớn 1.000 kg và quả nhỏ 650 kg thành một hợp âm. “Lúc đồng hồ phía trước lập trình tới giờ gõ thì điệu nhạc phát ra, tùy theo giờ và theo từng tính chất buổi lễ. Bộ chuông mới tái lập sẽ có tới 1.000 bản nhạc phát ra tùy theo cầu của nhà thờ, rất độc đáo”, linh mục Xuân tiết lộ.
Cũng theo linh mục Xuân, hiện toàn bộ số lượng ngói mũi tên đã tập kết về đầy đủ gửi tại sân nhà truyền thống giáo phận (6 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM). Còn 86.000 viên ngói vảy cá, 10.800 viên ngói âm dương khoảng 3 tháng nữa sẽ về VN. Toàn bộ kinh phí cho lần sửa chữa, cải tạo nhà thờ Đức Bà quy mô lần này theo hình thức xã hội hóa dự kiến khoảng 100 tỉ đồng, do giáo dân đóng góp. Hiện nhà thờ đã tiếp nhận được khoảng một nửa kinh phí dự trù và đang tiếp tục vận động trong giáo dân.
Vì sao nhà thờ Đức Bà chưa được xếp hạng di tích ?
Mặc dù là công trình kiến trúc cổ, độc đáo nằm giữa trung tâm TP nhưng đến nay nhà thờ Đức Bà vẫn chưa được xếp hạng di tích. Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích TP.HCM (Sở VH-TT TP.HCM): “Nhà thờ Đức Bà hiện đủ các tiêu chí để được xếp hạng nhưng do ban quản lý công trình không tiến hành các thủ tục cần thiết theo yêu cầu nên vẫn chưa thể xếp hạng, mặc dù chúng tôi gửi yêu cầu nhiều lần. Dù vậy, đến nay nhà thờ Đức Bà vẫn được Sở VH-TT đưa vào danh mục kiểm kê theo dạng di sản theo quy định”. Linh mục Hồ Văn Xuân lý giải thêm: “Thực ra Sở VH-TT TP.HCM nhiều lần đề nghị xếp hạng di tích nhưng chúng tôi vẫn đang cân nhắc, còn phải tìm sự đồng thuận trong linh mục đoàn, tu sĩ và giáo dân nên chưa thể quyết định được”.