Vừa qua, vụ việc người dân tự ý tôn cao nền điện thờ Mẫu tại khu vực Gò Kim Châu tại Hồ Văn, thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã dấy lên dự luận về việc quản lý di tích tại một trong những điểm di tích được coi là quan trọng bậc nhất Thủ đô. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám để làm rõ vấn đề này.
PV: Thưa ông, việc xử lý xây dựng trái phép ở khu vực Hồ Văn thuộc Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý thực hiện sâu sát và theo biên bản làm việc ngày 29/9 của Sở VHTT với các cơ quan thực hiện, hạn định xử lý việc này sẽ được giải quyết trước ngày 10/10. Tuy nhiên, cho đến nay, sau thời gian đưa ra đã 1 ngày mà các cơ quan chức năng chưa hề có động thái gì để xử lý. Ông có thể cho biết lý do vì sao?
Ông Lê Xuân Kiêu: Ngày 22/9, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5471/UBND-KGVX yêu cầu đảm bảo công tác an ninh trật tự, bảo vệ khu vực gò Kim Châu trong Hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận Đống Đa chủ trì, phối hợp với Sở VHTT, Công an TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo thành phố xây dựng và thực hiện ngay phương án đảm bảo công tác an ninh, trật tự, giải quyết triệt để tình trạng xâm hại di tích, giải tỏa, chấm dứt hoạt động xây dựng trái quy định tại khu vực gò Kim Châu trong tháng 10/2016.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám |
Ngày 29/9, UBND Phường Quốc Tử Giám phối hợp với Sở VHTT Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc họp triển khai thực hiện trước ngày 10/10/2016. Cuộc họp cũng giao Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chịu trách nhiệm và chi phí thuê đơn vị triển khai thực hiện. Tuy nhiên, ngày 10/10, đơn vị thực hiện có đến khảo sát và lên phương án thực hiện vào sáng 12/10. Chúng tôi đã xin ý kiến UBND Phường Quốc Tử Giám và các cơ quan liên quan bố trí lịch thực hiện vào ngày này.
PV: Việc xử lý sẽ được thực hiện theo hình thức cưỡng chế hay đề nghị người dân tự nguyện di dời, thưa ông?
Ông Lê Xuân Kiêu: Ngày 8/10, UBND Phường Quốc Tử Giám đã mời một số cơ quan và người dân, trong đó có Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến trao đổi. Tại đó, chúng tôi đã nghe ý kiến của một số người dân, theo đó, việc xử lý vi phạm tại khu vực Hồ Văn sẽ thực hiện trên tinh thần người dân tự nguyện tháo dỡ.
PV: Nghĩa là sẽ di dời toàn bộ điện thờ hay có phương án cụ thể như thế nào?
Ông Lê Xuân Kiêu: Bản chất của vụ việc là ngày 13/9, một số người lén lút chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu trong Hồ Văn để thực hiện hành vi nâng nền của một điện thờ nhỏ đã tồn tại ở khu vực này từ những năm 90. Khi phát hiện ra sự việc, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã ngăn chặn và báo cáo lên Sở VHTT Hà Nội và đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp giúp đỡ việc ngăn chặn vi phạm tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này.
Hồ Văn |
Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động vi phạm di tích nhưng hành vi này vẫn tái diễn trong đêm 13/9. Sau đó, điện thờ đã được tôn lên cao lên 70cm so với trước. Trong buổi thực hiện xử lý sai phạm này, chúng tôi sẽ yêu cầu người dân hạ độ cao điện thờ xuống 70cm, trả lại nguyên trạng cho khu di tích Hồ Văn.
Công việc sẽ được tiến hành vào ngày 12/10 theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP, để không gian Văn Miếu phát huy được đúng giá trị, góp phần cho văn hóa Thủ đô nói riêng và văn hóa đất nước nói chung. Mong sự ủng hộ, đồng thuận của địa phương, người dân để Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
PV: Ý kiến người dân tại cuộc làm việc ngày 8/10 với các bên ra sao, thưa ông?
Ông Lê Xuân Kiêu: Đa số người dân đều muốn quay trở lại nguyên trạng trước khi vi phạm và sau khi công trình hoàn thành, đề nghị cơ quan quản lý tạo điều kiện cho người dân vào lễ ngày Rằm và mùng 1. Đồng thời, chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến và báo cáo lên các cơ quan cấp trên.
PV: Hồ Văn là một bộ phận của Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tuy nhiên, để xảy ra việc người dân xây dựng trái phép tại đây là do đâu? Trách nhiệm quản lý của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám như thế nào?
Ông Lê Xuân Kiêu: Điện thờ Mẫu đã tồn tại ở Gò Kim Châu từ trước năm 90 của thế kỷ trước. Do đặc thù quản lý, trước đây, Hồ Văn thuộc quản lý của Công ty Công viên cây xanh, sau lại Ban quản lý dự án Hà Nội. Tháng 2/2006 mới chuyển về Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Do qua nhiều chủ thể quản lý nên xảy ra nhiều vấn đề về chức năng sử dụng.
Bên cạnh đó, đa số nhân dân ở khu vực này vẫn là mong mở cửa Hồ Văn để người dân vào tập thể dục. Bà con làm đơn phản ánh đi các cấp thậm chí treo biển “Đề nghị mở cửa khu vực Hồ Văn”…Việc quản lý khu di tích sát với người dân khó khăn, cần có sự phối hợp với chính quyền và cộng đồng dân cư.
Chúng tôi nhận thức rõ việc này và đã chú trọng việc tuyên truyền để bà con nhận thấy đây là di tích quốc gia đặc biệt và Văn Miếu có vị trí hết sức quan trọng với thủ đô và cả nước, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh xanh, sạch đẹp, để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế.
Một góc của Văn Miếu. |
Ông Lê Xuân Kiêu:Trước khi xảy ra vụ việc xâm phạm Hồ Văn mở cửa như bên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhưng việc khai thác để thu hút còn hạn chế. Thứ hai là các hoạt động văn hóa tại địa điểm này hầu như không có, trừ ngày Tết có hội chữ Xuân. Trước kia có dự án xây Phương Đình trên khu vực Hồ Văn khôi phục lại các hoạt động trên khu vực Gò Kim Châu, Hồ Văn là nơi bình thơ văn của các bậc nho sĩ. Nhưng rất tiếc dự án không thực hiện được.
Hiện nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã mời nhóm khảo sát và chuyên gia Pháp sang làm việc, khảo sát toàn bộ hiện trạng di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong đó có Hồ Văn. Các chuyên gia Pháp hết sức coi trọng Hồ Văn, làm thế nào giải quyết câu chuyện Hồ Văn, đưa nó thành một chủ thể không tách rời với khu nội tự nữa mà phải thành một bộ phận hữu cơ của di tích và phát huy giá trị của nó.
Chúng tôi xác định, đây là Di tích quốc gia đặc biệt nên phải thực hiện theo đúng trình tự. Chúng tôi đang phối hợp rất tích cực với chuyên gia Pháp để hoàn thành quy hoạch. Sau quy hoạch, Hồ Văn được kết nối với khu vườn Giám và khu nội tự trở thành một chỉnh thể di tích.
Trong Hồ Văn cũng sẽ có những công trình, trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động văn hóa, không chỉ trong dịp Tết mà các hoạt động văn hóa theo tuần, theo tháng. Có hoạt động văn hóa thì mới giải quyết được những vấn đề quản lý đặt ra. Mong người dân và chính quyền chia sẻ hướng vì lợi ích chung.
PV: Xin cám ơn ông./.