Sáng 29/3, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức họp báo nhằm chuẩn bị cho việc quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy & khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách và đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội chùa Thầy.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Vũ Hán - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quốc Oai đã trình bày về công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Thầy năm 2017.
Cụ thể, sau khi chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, UBND huyện Quốc Oai đã thành lập Ban quản lý di tích tạm thời, từng bước tiếp cận, tiếp quản công tác quản lý di tích, quản lý lễ hội theo hướng chuyên trách đối với các hoạt động thu vé, lập lại trật tự bán hàng, thuyết minh hướng dẫn, các công việc phụ trợ lễ hội và du khách…
Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). |
Một loạt các biện pháp được thực hiện, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý di tích, du lịch trong thời gian gần đây như: Loại bỏ các bát hương ở cửa Hang Cắc Cớ; từng bước ngăn chặn triệt để tình trạng đeo bám khách du lịch; xử lý dứt điểm mái che, mái vẩy phản cảm; chỉ dẫn rõ các điểm tham quan của di tích, tránh gây nhầm lẫn cho du khách…
Cũng theo ông Nguyễn Vũ Hán, ngoài các kết quả tích cực đạt được sau khi chấn chỉnh, thời gian tới, huyện cũng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như: Gìn giữ, khôi phục các nghi thức, hoạt động tế lễ vào dịp lễ hội; tổ chức các hoạt động nhằm tạo điểm nhấn cho phần Hội như trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, múa rối nước; phân luồng giao thông; đảm bảo vệ sinh...
Ông Nguyễn Vũ Hán - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quốc Oai. |
Ông Tạ Văn Thắng, Phó ban Tuyên giáo huyện ủy Quốc Oai cho biết, trong thời gian qua, huyện đã trực tiếp lên chùa Thầy để chỉ đạo, uốn nắn lập lại trật tự, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm và có hành vi xấu, đặc biệt là khu vực hang Cắc Cớ. Để tránh tình trạng phá hoại của một số đối tượng nhằm mục đích trục lợi, cơ quan quản lý đã phối hợp với lực lượng công an đưa tất cả các thành phần bán hàng, chèo kéo khách hay có hành vi tiêu cực ra khỏi khu vực. Thuê đội ngũ vệ sinh vận chuyển rác ứ đọng trong hang ra ngoài để mang lại không khí trong lành cho di tích.
Cũng theo ông Tạ Văn Thắng, phía dưới sân chùa Thầy, Ban quản lý tạm thời cũng đã bố trí các biển chỉ dẫn rõ ràng cho du khách, tránh sự nhầm lẫn. Treo, in các số điện thoại hỗ trợ ở nhiều khu vực và trên vé thăm quan để du khách gọi khi cần hỗ trợ, giúp đỡ hay có khiếu nại.
Trong trường hợp có khiếu nại, cơ quan chức năng sẽ cho nhận mặt trên hồ sơ quản lý và nếu đúng như phản ánh sẽ tiến hành xử lý nghiêm. Các hướng dẫn viên và thợ chụp ảnh đều được cấp thẻ, nếu vi phạm quy định sẽ bị thu hồi thẻ và không cho phép hoạt động trên địa bàn.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện phòng Quản lý đô thị - cơ quan tham mưu cho UBND huyện trình bày những phương án quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.
Trong đó, việc quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là hoạt động cấp thiết nhằm giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại hiện nay. Như việc di dời 47 hộ dân sống quanh hồ Long Trì (chân núi Thầy) đến khu tái định cư mới, đảm bảo các vành đai bảo vệ theo quy định cho khu di tích, không có dân cư xen lấn.
Lập Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy
Quy hoạch là chìa khóa giải bài toán khó về giao thông hiện nay ở chùa Thầy khi mở đường Bắc – Nam đô thị Quốc Oai (có mặt cắt 42 m) từ Đại lộ Thăng Long về chùa Thầy và nối với trục Hồ Tây – Ba Vì trong tương lai; mở đường dẫn từ đường vành đai du lịch về chùa Long Đẩu, đưa bãi đỗ xe và khu dịch vụ tách rời di tích… Từ đó góp phần giữ gìn tốt nhất kiến trúc; cũng như đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo, các công trình cốt lõi của di tích tuân thủ đúng Luật Di sản./.