Hiến pháp năm 2013 đề cập nhiều nội dung về quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng. Cụ thể: Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí theo Hiến pháp và pháp luật.
Tại Việt Nam, Luật Báo chí được ban hành năm 1989 và được sửa đổi bổ sung năm 1999. Luật Báo chí cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quản lý lĩnh vực báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí, nhờ vậy, báo chí Việt Nam đã không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một buổi phát sóng trực tiếp tại phòng thu của VOV |
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự bùng nổ của mạng xã hội, phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân đã có những thay đổi lớn. Luật Báo chí hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nhiều quy định của Luật Báo chí đã thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải sửa đổi để đáp ứng với tình hình hiện nay và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Từ những buổi hội thảo đầu tiên với sự có mặt của các nhà báo lão thành, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo, Ban soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến, đến nay đã 18 lần chỉnh sửa. Điều này thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm cao của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tôi thấy cần trao đổi để Dự thảo Luật Báo chí ngày càng hoàn thiện hơn trước khi được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Về các loại hình báo chí, tại điều 3, Dự thảo luật quy định có các loại hình: báo chí in, báo nói, báo hình và báo chí điện tử. Tôi xin đề nghị chỉnh sửa là báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử để cùng thống nhất với: báo nói, báo hình.Tại phòng thu của Kênh VOV Giao thông Quốc gia |
Về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, tại Điều 8, mục 3, Dự thảo luật quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương. Điều này không thống nhất với mục 2, Điều 8, quy định Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí. Cũng giống như các bộ, ngành khác, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ là cơ quan chủ quản báo chí địa phương mình. Chỉ có vậy mới đảm bảo cho các nhà báo hoạt động một cách khách quan khi đánh giá về các vấn đề liên quan đến địa phương nào đó.
Ngoài ra, điều kiện đặt Văn phòng đại diện cũng không cần phải quy định là có trụ sở văn phòng đại diện ổn định từ 03 năm trở lên, mà chỉ cần quy định là có trụ sở với địa chỉ rõ ràng. Nếu quy định phải có trụ sở ổn định từ 3 năm trở lên, các cơ quan chủ quản báo chí buộc phải ký các hợp đồng nhà từ 3 năm trở lên (đối với các cơ quan báo chí không có trụ sở riêng hoặc với phóng viên thường trú phải thuê nhà), điều này không cần thiết.
Liên quan đến giấy phép hoạt động báo chí và hiệu lực của giấy phép, Dự thảo luật Báo chí cũng chỉ cần quy định những điều mà các cơ quan báo chí bị tước tạm thời hoặc vĩnh viễn giấy phép hoạt động báo chí thay vì quy định hiệu lực giấy phép hoạt động báo chí là 10 năm. Với số lượng hàng ngàn các kênh phát thanh, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử và ấn phẩm báo chí như hiện nay, việc quy định hiệu lực giấy phép phải cấp lại sau 10 năm gây khó khăn cho cơ quan quản lý báo chí và càng làm tăng thêm các thủ tục hành chính rườm rà.
Điều 21 liên quan đến hiệu lực của giấy phép thành lập kênh phát thanh, kênh truyền hình, Dự thảo luật quy định sau 180 ngày đối với báo nói, báo hình, kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không có sản phẩm báo chí, giấy phép hết hiệu lực. Để ra một kênh phát thanh hay một kênh truyền hình, sau khi có giấy phép, cơ quan chủ quản báo chí mới được phép đấu thầu, nhập máy, lắp đặt máy, tuyển dụng, đào tạo cán bộ, phóng viên... Tất cả những vấn đề trên đều phải tuân thủ các luật đầu tư, đấu thầu, cần phải có thời gian theo luật định, không thể làm tắt, đón đầu hoặc như nhiều người ví von là ''vừa chạy, vừa xếp hàng''. Do vậy, Dự thảo luật nên quy định là sau 12 tháng, nếu cơ quan chủ quản báo chí không triển khai hoạt động thì giấy phép thành lập kênh phát thanh, kênh truyền hình sẽ hết hiệu lực.
Điều 32 liên quan đến nhà báo, Dự thảo luật cũng chỉ nên quy định nhà báo là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực báo chí thay vì quy định thêm nhà báo phải có các tiêu chuẩn theo quy định tại điều 35,36 của Luật này và đã được cấp thẻ nhà báo. Theo điều 36 của Luật này, phóng viên, biên tập viên phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 03 năm trở lên tính đến thời điểm cấp thẻ. Vậy nếu các phóng viên, biên tập viên chưa đủ 03 năm làm việc liên tục tại một cơ quan báo chí có thể gọi họ là nhà báo không? Cần phải tách biệt định nghĩa nhà báo và việc hành nghề báo chí. Thẻ nhà báo là thẻ hành nghề, còn nhà báo là những người đã, đang làm công tác trong lĩnh vực báo chí.
Cuối cùng là thanh tra báo chí (điều 56), Dự thảo luật cũng cần quy định rõ cơ quan nào được phép thanh tra các hoạt động báo chí, tránh trường hợp nhiều cơ quan đều có thể thanh tra, xử phạt các cơ quan báo chí.
Đây chỉ là một vài góp ý đối với Dự thảo Luật Báo chí. Hy vọng rằng Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, các nhà báo và người dân để hoàn thiện Luật Báo chí (sửa đổi), sớm được Quốc hội khóa XIII thông qua, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động báo chí, đảm bảo quyền tự do báo chí, quyền ngôn luận trên báo chí của công dân, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí và cũng để đảm bảo sự quản lý nhà nước về báo chí./.