Phát biểu khai mạc sáng nay (14/9), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chưa khi nào một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại kéo dài như lần này, nhằm chuẩn bị tốt cho Kỳ họp Quốc hội thứ 10.
Trọng tâm của phiên họp 41 là tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trên cơ sở xin ý kiến nhân dân để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Một số dự thảo luật liên quan đến dân chủ xã hội như Luật Báo chí sửa đổi, Luật về Hội...cũng sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 41 |
Phiên họp cũng sẽ cho ý kiến về công tác giám sát, trong đó nghiên cứu hình thức chất vấn sẽ triển khai thế nào để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi vào kỳ họp thứ 10.
Theo đó, phiên chất vấn sẽ diễn ra như lâu nay hay các thành viên Chính phủ, các đối tượng chất vấn sẽ trả lời về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về các vấn đề liên quan công tác bầu cử vào năm 2016 như việc thành lập hội đồng bầu cử, ngày bầu cử...
“Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội có khối lượng công việc to lớn, nặng nề, khó khăn nên cần sự tận tâm, tận lực chuẩn bị thật tốt cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội để kỳ họp thành công”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo chương trình dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014; báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược..../.