“Tìm được người đứng đầu tốt rất khó nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Và khi đã tìm được rồi thì vẫn phải giám sát, chấn chỉnh bởi không ai có thể giỏi ngay được. Như vậy là phải qua phê bình và tự phê bình, sàng lọc thực tiễn mới tìm và có được người giỏi”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyện Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia) |
PV: Phê và tự phê là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đánh giá hoạt động của tổ chức Đảng. Ông nhận xét như thế nào về tính phê và tự phê trong Đảng hiện nay?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Từ thực tiễn cách mạng và công cuộc đổi mới, Đảng đã tổng kết phê bình và tự phê bình là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng, quy luật trong xây dựng và phát triển Đảng. Trong thực tiễn lịch sử xây dựng Đảng, Đảng ta đã rất nhiều lần tự phê bình và phê bình. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn “Tự chỉ trích” năm 1939; Bác Hồ viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” ngay sau Cách mạng Tháng Tám…
Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã nói rõ quan điểm: Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng; một đảng luôn thừa nhận sai lầm khuyết điểm của mình, tìm ra nguyên nhân của sai lầm, khuyết điểm đó để đề ra biện pháp sửa chữa đấy là dấu hiệu của một đảng cách mạng, một đảng chân chính.
Chỉ có thông qua phê bình và tự phê bình mới tìm ra được khuyết điểm của mình và cũng khẳng định được ưu điểm của mình, làm tốt thì tiếp tục phát huy, làm chưa tốt thì phải điều chỉnh, làm sai thì phải sửa, thậm chí phải để cho quần chúng, nhân dân phát hiện cái sai của mình, để cho nhân dân tham gia hoạch định về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và tổ chức cán bộ.
Phê bình và tự phê bình không chỉ trong nội bộ Đảng mà phải trong toàn xã hội. Trong Di chúc của Bác có nêu rõ: Đảng phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh, đó là cách tốt nhất để đoàn kết thống nhất trong Đảng, từ đó để thực hành phê bình, tự phê bình cho hiệu quả.
Vừa rồi chúng ta có thực hiện phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương IV. Theo tôi, việc thực hiện bước đầu đã tạo ra những biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đạt được yêu cầu, vẫn còn hình thức, nêu ưu điểm cân đối khuyết điểm, ngại phê bình người khác do ngại va chạm. Đây cũng là tâm lý chung của đa số người Việt Nam là dĩ hòa vi quý, không muốn va chạm. Tự phê bình nhưng các khuyết điểm cố hữu vẫn chưa dám nói ra.
Phê bình và tự phê bình cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và thẳng thắn hơn như các đồng chí lớp trước đã từng làm. Ví như những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ và cả trung ương đã tự phê bình trước nhân dân. Làm nghiêm túc như thế chắc chắn sẽ có hiệu quả. Làm hình thức không những không hiệu quả mà dẫn tới mất niềm tin ngay trong nội bộ Đảng.
PV: Như ông vừa nói, tâm lý chung của đại đa số người Việt Nam là ngại va chạm, dẫn tới việc phê bình trong Đảng hiện nay còn hình thức, ngại không phê bình hoặc theo kiểu “phê bình khen ngợi”. Theo ông làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Tâm lý ngại va chạm đã ăn sâu vào người Việt Nam nên việc sửa là rất khó. Chưa kể có những người sợ phê bình người khác vì sợ sẽ bị phê bình lại, sợ bị trù dập nếu phê bình người có chức có quyền.
Để cán bộ, đảng viên ở mọi cấp sống thẳng thắn, trung thực, Hội nghị Trung ương IX vừa rồi có nêu vấn đề xây dựng văn hóa con người Việt Nam, từ đó mới có thể thay đổi con người trong Đảng. Những tiêu chuẩn đặt ra theo tôi là khá phù hợp: người Việt Nam phải yêu nước, phải nhân ái, phải trung thực, đoàn kết… Trong những tiêu chuẩn ấy, tính trung thực là vô cùng quan trọng, trong xã hội toàn những người sống không trung thực, sống giả dối với nhau thì xã hội đó sẽ không thể phát triển được.
Những phẩm chất trên phải được giáo dục cho thế hệ trẻ, từ bậc mầm non, để người Việt Nam sau này có được những tư chất ấy. Khi đó người ta mới có thể thẳng thắn, trung thực trong phê bình. Phê bình và tự phê bình với thái độ xây dựng, chứ không phải để moi móc, hạ bệ người khác… Phê bình với động cơ trong sáng. Mỗi người đều có thái độ đúng khi phê bình và tự phê bình, đặc biệt là những đảng viên, người có chức có quyền thì việc phê bình không có gì đáng ngại. Trong cuộc sống, ai cũng có khuyết điểm, nên việc phê bình, nhắc nhở nhau cũng là chuyện bình thường. Nhưng quan trọng là cách phê bình, nhắc nhở.
Bác Phạm Văn Đồng từng kể về Bác Hồ: mấy chục năm làm việc với Bác Hồ nhưng chưa thấy Bác nặng lời với ai bao giờ, kể cả khi Bác phê bình. Bác phê bình rất nhẹ nhàng để người đó nhận ra sai lầm sửa chữa khuyết điểm chứ không đao to búa lớn để làm mất mặt người bị phê bình.
Tôi nhớ lời của một nhà văn hóa, nói rằng: Nếu mọi người trong xã hội sống tốt với nhau thì xã hội đó không cần phải có quá nhiều luật lệ. Đạo đức điều chỉnh hành vi con người, mọi người sống tốt với nhau thì không phải cần đến luật lệ. Đặc biệt là đảng viên, lãnh đạo hãy là những tấm gương để người dân soi vào, chứ đừng để người dân phải chê bai, mất niềm tin thì sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội.
Theo tôi, phê bình và tự phê bình không phải là yêu cầu tự thân của Đảng mà còn là yêu cầu của sự phát triển xã hội, đất nước.
PV: Điều đó đòi hỏi gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu, làm thế nào để chọn được người đứng đầu. Nhưng có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có kiến thức và dám chịu trách nhiệm, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Đây là một quá trình cực kỳ công phu. Như Bác Hồ từng nói, cán bộ là gốc của mọi công việc, cán bộ tốt thì công việc tốt. Việc huấn luyện cán bộ là công việc trọng tâm của Đảng. Ngay từ lúc bắt đầu thành lập Đảng, Bác Hồ đã nhấn mạnh phải quan tâm công tác lựa chọn và đào tạo, huấn luyện cán bộ để có được cán bộ giỏi. Không thể ngồi một chỗ đợi cán bộ xuất chúng xuất hiện.
Có thể nói rằng Bác Hồ đã phải rất công phu mới có được những tên tuổi như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Lương Bằng… Sau này trong quá trình lãnh đạo, Bác cũng luôn tập hợp xung quanh mình những người tài năng, đức độ như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…
Để xây dựng một Đảng thực sự có uy tín, trách nhiệm, cán bộ không hư hỏng phải bắt đầu từ khâu lựa chọn. Quy trình cán bộ của Đảng ta hiện nay đã rất rõ ràng, theo tôi cứ làm tốt theo quy trình đó sẽ không thể lọt vào hàng ngũ lãnh đạo của Đảng những cán bộ thoái hóa, sẽ chọn được những cán bộ thực sự tâm huyết, thực sự có trí tuệ.
Cán bộ lãnh đạo chỉ cần có 3 yếu tố: Trí tuệ, năng lực tổ chức và đạo đức, trong đó yếu tố đạo đức vô cùng quan trọng. Bác Hồ từng coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Chúng ta đang trong quá trình xây dựng một xã hội tốt đẹp thì phải làm sao để chuẩn mực đạo đức cũng phải tốt đẹp lên.
Vì vậy, việc lựa chọn người đứng đầu là một quá trình, quá trình này không hề dễ dàng. Việc tìm tòi, lựa chọn ấy phải bắt đầu từ sự tín nhiệm, đánh giá trong Đảng và đặc biệt cần cả sự tín nhiệm từ dân. Vấn đề quan trọng nhất là thực hiện quy trình đó ra sao và người đứng đầu có công tâm hay không.
Việc đánh giá công tâm sẽ đảm bảo tìm đúng người để đưa vào quy hoạch ở các cấp, rồi tiến hành đào tạo để sau đó bố trí, sắp xếp vào các vị trí thích hợp để họ phát huy tốt năng lực.
Người đứng đầu mà trong sáng, có trí tuệ, có năng lực, được mọi người tín nhiệm thì cũng sẽ chọn được những người có trí tuệ, năng lực. Người lãnh đạo mà chỉ lo vun vén cho bản thân, lo xây dựng lợi ích nhóm thì sẽ không tìm được người đứng đầu tốt.
Tìm được người đứng đầu tốt rất khó nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Và khi đã tìm được rồi thì vẫn phải giám sát, chấn chỉnh bởi không ai có thể giỏi ngay được. Như vậy là phải qua phê bình và tự phê bình, sàng lọc thực tiễn mới tìm và có được người giỏi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.