Sau khi VOV.VN đăng bài “Cán bộ giàu nhanh bất thường: Phát hiện đâu khó?”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến nêu ra trong bài viết.

Thậm chí, nhiều độc giả còn “hiến kế” để có thể phát hiện được những cán bộ giàu nhanh bất thường, có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản…do tham ô, tham nhũng mà có, kiên quyết không để những người có biểu hiện như vậy lọt vào Trung ương khóa XII.

tham_nhung_efaq.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Độc giả Hue Nguyen Viet (yeng15758@gmail....) cho rằng: “Cán bộ giàu nhanh bất thường rất khó giấu được qua con mắt của nhân dân. Chống tham nhũng thì ai cũng nói hay, thậm chí, những cán bộ tham nhũng còn nói rất hay. Biện pháp chống tham nhũng thì không thiếu, chỉ có điều là chúng ta có thực sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng hay không và điều then chốt là phải chọn được cơ quan, tổ chức, cá nhân thực sự trong sạch và đủ khả năng để đương đầu với giặc nội xâm này”.

Theo độc giả Công (congvubvtvtp@yahoo...), hiện nay, số cán bộ giàu nhanh bất thường ngày càng tăng nhanh, thể hiện việc chủ trương chống tham nhũng của Đảng bị xem nhẹ, hiệu quả chưa cao. Các cấp chính quyền phải vào cuộc một cách quyết liệt thì may ra mới có triển vọng. Các cấp cần có những biện pháp mạnh mẽ, ngăn chặn hiệu quả các vụ tham nhũng thì nhân dân mới tin tưởng được.

Độc giả Hoàng Long (hoanglong147@yahoo...) nêu ý kiến: “Theo tôi nghĩ việc kê khai tài sản chỉ là hình thức hiệu quả không cao. Hãy để cho dân phát hiện và cung cấp thông tin rồi kiểm chứng thông tin thì mới có hiệu quả. Tôi nghĩ một vị cán bộ lãnh đạo thu nhập, làm ăn cái gì mà tài sản lớn như vậy? Việc này dân biết cả nhưng do làm không cương quyết mà thôi”.

Độc giảVu Trieu (vu.vtrieu@gmail...) thì đưa ra giải pháp cụ thể: “Tôi thấy hiện nay chúng ta có rất nhiều báo. Xin đề nghị tất cả các bản kê khai tài sản đều phải được đăng công khai trên báo chí. Cán bộ Trung ương cho đăng trên báo Nhân Dân, cán bộ quân đội đăng trên báo Quân đội nhân dân, cán bộ ngành trên báo ngành, cán bộ địa phương trên báo địa phương. Việc làm này có 2 điều lợi: Thứ nhất, nếu cán bộ không tham nhũng thì đây là dịp thanh minh và bảo vệ uy tín cho họ trước những tin đồn thổi. Thứ hai, nếu kê khai không trung thực thì mọi người sẽ vạch mặt được họ”.

Độc giả Trần Hoàng Dũng (dung_143625@yahoo...) cho rằng việc chống tham nhũng không khó: “Trước hết, chúng ta nên xem xét các nước trên thế giới cách họ chống tham nhũng là có thể suy ra chúng ta cần phải làm như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Mục tiêu cuối cùng của hành vi tham nhũng là đạt được lợi ích vật chất hay tinh thần. Lợi ích vật chất đó là các động sản hay bất động sản. Lợi ích tinh thần là các vị trí quyền lực trong bộ máy chính quyền, cơ quan Nhà nước mà qua đó có thể trục lợi được bằng vật chất.

Vậy, nếu tham nhũng vật chất thì dù bé bằng cái kim cũng có thể tìm được qua công tác kiểm tra chéo, qua sóat xét các tài sản che giấu hay công khai bằng cách xem xét các nguồn tiền để hình thành nên vật chất đó. Như vậy, nếu đã tham nhũng thì cái vật chất kia khó có thể giấu được. Nó có thể biến tướng qua hình thức sở hữu thôi.

Ví dụ, khi tham nhũng được thì người tham nhũng sẽ mua sắm vàng, đất đai, giả vờ trúng số hay được biếu tặng. Hay tinh vi hơn họ sẽ đem các của cải này cho một người tin tưởng nào đó nhận rồi qua một thời gian sau khi “hạ cánh” an tòan sẽ chuyển đổi lại hình thức sở hữu. Nên quan điểm của VOV.VN tôi thấy rất hợp lý, là ngày cả khi người tham nhũng chẳng có tài sản gì nhưng nếu các người có quan hệ pháp lý hàng 1 hay 2-3 đều có thể xem xét suy đoán ra hành vi tham nhũng.

Các nước có công nghệ tiên tiến thường dùng một thẻ duy nhất để theo dõi tài chính cá nhân, đó là thẻ an sinh. Bất kỳ một hành vi tiêu dùng nào đều lưu lại dấu vết trên hệ thống. Qua đó, các nguồn thu đều phải được chi trả qua cái thẻ an sinh này. Nếu không qua hình thức này mà Cơ quan công quyền phát hiện được thì sẽ bị phạt vạ. Nhẹ thì đóng thuế thật nặng, còn nếu có nguồn gốc bất hợp pháp thì bị truy tố mà phạt tù tùy tội nặng nhẹ.

Do vậy, hầu như chuyện dùng tiền mặt không phổ biến vì nếu không chứng minh được thu nhập hợp pháp thì rắc rối to với chính quyền. Ngay cả khi người có tiền ở nước ta nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì vẫn phải xem xét để suy đóan hành vi pham nhũng. Có như vậy, các quan tham sẽ hết đường sống”.

Độc giả Nguyễn Thanh (thanhnv@gmail...) còn đề xuất “táo bạo” hơn: “Nói từ "kê khai tài sản" như Việt Nam thì không ăn thua gì, nếu thực hiện tốt thì phải kê khai tài sản 3 đời (kể cả bạn bè thân thích) mới đảm bảo an toàn cho người công chức. Nếu anh muốn vào công chức chính quyền, anh phải kê khai tài sản 3 đời thì mới thực là người mà Nhà nước cần đến”.

Đồng quan điểm, độc giả Nguyễn Huy Hoàng (hoangnguyen@gmail...) viết: “Phải kiểm kê công khai và trung thực tài sản của các quan chức, cán bộ, đảng viên đang nắm giữ chức vụ cao, từ ngày 30/4/1975, bắt đầu từ đôi dép râu, cái nón cối, cái sắc cốt, cái xe đạp Phượng Hoàng, đến nay, tài sản họ có gì (biệt thự, xe hơi, đất đai, con cái du học Âu Mỹ, tiền vàng, tài khoản chìm nổi trong và ngoài nước,...) phải kiểm kê tài sản của thân nhân họ đứng tên (như cha mẹ, chú bác, vợ con, anh em, cháu chắt). Biện pháp đối với người có tài sản bất minh phải nghiêm khắc như tử hình, buộc thôi việc, giáng cấp, tịch thu…”./.