Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Trong suốt 85 năm qua, lịch sử đã chứng minh vai trò to lớn và sứ mệnh lịch sử trọng đại của Đảng ta. Càng tự hào về Đảng, chúng ta càng phải chăm lo công tác xây dựng Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.

vu_van_phuc_tr_rcmc.jpg
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương
Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với PGS-TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương xung quanh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác tự phê bình và phê bình, những thách thức đối với một Đảng cầm quyền và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. 

PV: Thưa PGS-TS Vũ Văn Phúc, trong Bản di chúc để lại trước khi về cõi vĩnh hằng, điều đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn là về Đảng. Điều mà Người quan tâm “trước hết” và “trước tiên” là về Đảng và chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Điều trăn trở của một người trước lúc đi xa thường là những gì tâm huyết nhất, đúc kết nhất. Vậy, ông có thể lý giải vì sao lãnh tụ Hồ Chí Minh lại đặt Đảng và vấn đề chỉnh đốn Đảng ở vị trí trang trọng như vậy?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Chúng ta đều biết rằng, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng. Thế nhưng, tự nhân dân thì không thể làm cách mạng được mà nhân dân phải có người lãnh đạo và người lãnh đạo cách mạng Việt Nam chính là Đảng cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam là do một Đảng duy nhất lãnh đạo, đó là Đảng cộng sản Việt Nam. Và trước lúc đi xa, Bác cho rằng, cách mạng Việt Nam muốn tiến lên được hay không thì điều đầu tiên là phải quan tâm đến lực lượng lãnh đạo, lực lượng lãnh đạo ấy chình là Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó mà trong Di chúc của Bác, điều đầu tiên Bác viết là “trước hết nói về Đảng” và Bác cho rằng, nếu Đảng ta trong sạch vững mạnh, Đảng ta đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì chắc chắn cách mạng nước ta sẽ tiến lên, sự nghiệp cách mạng của nước ta sẽ tiến lên.

Và trước hết nói về Đảng thì Bác quan tâm điều đầu tiên là Đảng ta phải đoàn kết, phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trên cơ sở đoàn kết như vậy thì Đảng phải thống nhất, mới có thể quy tụ, tập hợp được nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm sự nghiệp cách mạng của nước ta. Và nói về Đảng thì Bác quan tâm là phải tiếp tục chỉnh đốn Đảng bởi vì trong cơ thể Đảng thì không phải lúc nào cũng là vững mạnh mà trong cơ thể Đảng ta, có những lúc, có những bộ phận, có những yếu tố này, yếu tố khác, nhân tố này, nhân tố khác là không khỏe mạnh và Bác muốn, nếu cơ thể của Đảng vững mạnh thì phải có sự chỉnh đốn và nếu chỉnh đốn Đảng mà thành công thì có nghĩa là Đảng ta mới giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tự phê bình và phê bình không phải để đấu đá

PV: Thưa ông, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Tự phê bình và phê bình, đó là vũ khí sắc bén nhất để mà xây dựng Đảng. Tức là mỗi cán bộ Đảng viên phải tự phê bình mình. Những việc gì làm được, những việc gì chưa làm được cho Đảng và đồng thời tập thể sẽ góp ý phê bình cho mỗi cán bộ Đảng viên trong chi bộ, trong Đảng bộ mình. Và Bác nói “tự phê bình và phê bình giống như rửa mặt hàng ngày”.

Nếu như hàng ngày chúng ta không rửa mặt thì không biết được cái vết bẩn trên mặt mình và không tẩy rửa được vết bẩn trên mặt mình thì đấy là điều nguy hiểm trong công tác xây dựng Đảng. Và nghị quyết Trung ương IV khóa XI vừa rồi, chúng ta cũng nêu ra giải pháp đầu tiên, việc làm đầu tiên mà toàn Đảng phải thực hiện, mỗi cán bộ Đảng viên phải thực hiện là “tự phê bình và phê bình”, làm thế nào để qua tự phê bình và phê bình, chúng ta trưởng thành hơn, nhìn nhận được ưu điểm, thấy được khuyết điểm để chúng ta vững vàng hơn.

Nhưng điều tôi muốn nói là, trong “tự phê bình và phê bình” không phải là chúng ta lợi dụng điều đó để mà đấu đá, để mà gây ra mất đoàn kết mà “tự phê bình và phê bình” phải trên tinh thần đồng chí, sau tự phê bình và phê bình phải làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn thì đấy mới là theo đúng tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XI cũng tồn tại một thực tế là, còn có tình trạng dĩ hòa vĩ quý. Nhất là cấp dưới thì không dám phê bình cấp trên và đồng chí thì không dám phê bình lẫn nhau, anh không đụng chạm đến tôi thì tôi không đụng chạm đến anh.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của nhân dân đối với sự thành công của việc chỉnh đốn Đảng?

PST-TS Vũ Vắn Phúc: Đảng ta là từ nhân dân mà ra, hay ta thường nói Đảng là đứa con nòi của nhân dân lao động. Như vậy, Đảng là từ nhân dân mà ra và Đảng cũng là phục vụ nhân dân. Mối quan hệ giữa Đảng với dân là mối quan hệ máu thịt, gắn bó. Đảng không dựa vào dân thì Đảng không thể trưởng thành được và nói một cách khác thì nhân dân cũng là đối tượng của Đảng lãnh đạo. Do đó mà trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì Đảng phải dựa vào dân, công tác xây dựng chỉnh đổn Đảng cũng phải dựa vào dân và ý kiến nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng là ý kiến hết sức quan trong để Đảng nhìn thấy những ưu điểm của mình, nhìn thấy hạn chế của mình. Trên cơ sở đó mà Đảng rèn luyện phấn đấu. Đảng củng cố tổ chức của mình, Đảng viên phải nêu gương trước nhân dân, đi đầu gương mẫu cho nhân dân thì điều đó hết sức là quan trọng.

Và chúng tôi cho rằng, trong công tác xây dựng Đảng, nếu thiếu sự tham gia của nhân dân, không dựa vào nhân dân thì việc xây dựng Đảng không thành công. Chúng ta phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, cụ thể là ý kiến của nhân dân ở nơi đảng viên cư trú, nơi tổ chức đảng đang lãnh đạo và sinh hoạt, ý kiến của nhân dân ở nơi công tác, ý kiến của tổ chức, đoàn thể . Qua đó, đảng mới trưởng thành lên được.

Nguy cơ đối với đảng cầm quyền là chủ nghĩa cá nhân

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, Đảng sẽ không giữ được địa vị lãnh đạo nếu như quyền lực bị tha hóa, cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối dẫn đến lộng quyền, lạm quyền và tham quyền, đánh mất niềm tin của nhân dân. Thưa ông, nếu như không chỉnh đốn thì rõ ràng, địa vị cầm quyền của Đảng sẽ gặp những thách thức. Xin ông có thể cho biết những thách thức cụ thể ở đây là gì?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản cũng là đảng cầm quyền. Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua đường lối chính trị, thông qua việc kiểm tra, giám sát và đặc biệt là thông qua tổ chức bộ máy và cán bộ. Đảng thống nhất quản lý và lãnh đạo công tác cán bộ. Tuy nhiên, đảng cầm quyền cũng đứng trước nhiều nguy cơ mà nếu không khắc phục được thì đảng sẽ có thể biến chất. Một trong những nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm. Nếu như tổ chức đảng và đảng viên không đặt lợi ích của đảng, của dân tộc, của đất nước lên trên mà đặt lợi ích của cá nhân hoặc của một nhóm lợi ích lên trên thì nguy cơ biến chất càng rõ. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay thì những đảng cầm quyền như đảng chúng ta càng cần phải tổ chức chỉnh đốn cho tốt để loại bỏ nguy cơ tha hóa, biến chất.

Nhiều vụ án tham nhũng đưa ra ánh sáng không có vùng cấm

PV: Thưa ông, khi nhắc đến các nguy cơ đe dọa một đảng cầm quyền thì không thể không nhắc đến vấn đề chống tham nhũng, lãng phí. Theo ông, những chuyển biến trong công tác này thời gian qua, nhất là từ khi có Nghị quyết TW4, là gì?

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Một trong những nội dung rất quan trọng mà Nghị quyết TW 4 đặt ra là, phải làm cho đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, phòng chống cho được tham nhũng, lãng phí, phòng chống tiêu cực cả ở trong đảng và trong xã hội. Thời gian qua, đảng ta rất chú trọng đến việc phòng chống tham nhũng. Một biểu hiện rõ nhất là chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban. Sau khi đi vào hoạt động, công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực. Chúng ta đã đưa ra ánh sáng những vụ án lớn, được xã hội và nhân dân rất quan tâm. Khi xử các vụ án này, nhân dân cũng đồng tình với các kết quả xử án của tòa án. Nhiều vụ án đưa ra ánh sáng không có vùng cấm. Nhiều quan chức của Đảng, Nhà nước kể cả đương chức và nghỉ hưu khi có những sai lầm, có biểu hiện tham nhũng thì chúng ta không né tránh. Đó là quyết tâm chính trị của đảng ta trong công tác phòng chống tham nhũng và nếu làm tốt công tác  phòng chống tham nhũng thì đảng ta sẽ tiếp tục giữ được vị thế cầm quyền của mình.

Cán bộ càng cao, chức vụ càng lớn thì càng phải nêu gương

PV: Thưa ông, có một thực tế là, niềm tin của nhân dân đối với Đảng thường gắn với mỗi cán bộ, đảng viên và từng tổ chức cơ sở đảng. Vậy theo ông, để có được niềm tin của nhân dân, điều quan trọng nhất đối với mỗi cán bộ đảng viên và tổ chức Đảng là gì?  

PGS-TS Vũ Văn Phúc: Muốn nâng cao được tín nhiệm của nhân dân đối với đảng, niềm tin của nhân dân đối với đảng thì mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên phải thực sự trong sạch, vững mạnh. Từng chi bộ, từng đảng bộ và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn nêu gương, phải thật sự là tấm gương sáng trong nhân dân. Cán bộ càng cao, chức vụ càng lớn thì càng phải nêu gương. Nếu không làm được điều này thì niềm tin của nhân dân sẽ bị lung lay. Nếu họ không tin vào các đảng viên thì sẽ không tin vào tổ chức đảng.

Do đó, tôi phải nhắc lại rằng, vấn đề nêu gương đặt ra hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay. Những người đứng đầu, những cán bộ cấp cao nếu không gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất chính trị, không gương mẫu trong đạo đức, lối sống thì nhân dân sẽ mất niềm tin. Nếu họ chỉ lo thu vén lợi ích cá nhân cho mình, cho gia đình mình hoặc nhóm lợi ích của mình thì chắc chắn là dân sẽ không tin nữa. Đối với các tổ chức đảng, vào thời điểm chúng ta đang chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới đại hội XII của đảng, nếu không lựa chọn được những cán bộ đảng viên có đức, có tài (xin nói rõ là đức đặt lên trước) tham gia vào cấp ủy, tham gia vào bộ máy lãnh đạo của đảng và nhà nước trong nhiệm kỳ tới thì dân sẽ không tin đảng.

Nếu các tổ chức đảng cứ để lọt lưới những người cơ hội, những người chủ nghĩa cá nhân tham gia cấp ủy sắp tới thì sẽ rất nguy hiểm. Có người đã phải nói rằng, nếu cán bộ chỉ chăm lo cho con cái của mình, cho cháu chắt mình, cho người thân của mình thì sẽ có nguy cơ biến Đảng Cộng sản của chúng ta thành đảng phong kiến, tức là cha truyền, con nối.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.