Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đề cập vấn đề nhân sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người tham vọng quyền lực, xu nịnh, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm; mị dân, chuyên quyền, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; tham nhũng, tiêu cực…
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ bày tỏ vui mừng về sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo của Hội nghị. Đặc biệt là việc đề ra tiêu chuẩn rất cụ thể đối với nhân sự cấp cao, phù hợp với đòi hỏi hiện nay.
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ |
PV: Các tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự được Tổng Bí thư nêu rõ nhận được sự đồng thuận từ người dân và dư luận. Tuy nhiên, làm thế nào để chọn được người như yêu cầu đó mới là vấn đề quyết định, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Vấn đề này được toàn Đảng, toàn dân quan tâm và đặt kỳ vọng rất lớn.
Phương hướng, tiêu chuẩn mà BCH Trung ương kỳ này quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 rất tốt, đề ra một cách rất thẳng thắn, công khai để nhân dân kiểm tra, giám sát nhằm lựa chọn nhân sự cấp cao.
Vấn đề tổ chức thực hiện tiêu chí, tiêu chuẩn trên mới là quan trọng. Muốn thế phải làm đúng quy trình của Trung ương đề ra, tức là tự phê bình và phê bình cho tốt trong Đảng, dưới sự giám sát của nhân dân và thanh kiểm tra để xác minh những vấn đề nhân dân nêu lên. Làm được như thế tôi tin rằng sẽ đạt được yêu cầu.
PV: Trong các tiêu chuẩn về nhân sự được đề cập, đâu là vấn đề mà ông quan tâm nhất?
Ông Đỗ Văn Ân: Tôi rất quan tâm và tâm đắc với tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng để không tham nhũng, quan liêu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu lợi cá nhân; để con, cháu, vợ, chồng lợi dụng các vị trí công tác làm việc mà có hành vi tiêu cực.
Giàu lên một cách nhanh chóng nhưng không giải thích được nguồn gốc tài sản thì dân theo dõi người ta biết cả, vấn đề là làm thế nào để xác minh. Có những người có mấy nhà chỉ khai một nơi, dân biết nhưng làm sao để người ta nói. Trong tự phê bình và phê bình nội bộ Đảng phải công tâm, trách nhiệm nói ra được việc này.
Một người vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng phải trong sáng, có tín nhiệm đầy đủ với Đảng, với nhân dân thì mới làm tròn được trách nhiệm. Chứ còn dân không tin thì khó lắm, không làm tròn trách nhiệm được!
PV: Tự phê bình và phê bình mới nâng được tính chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh. Nhưng nhiều người không thẳng thắn nói lên quan điểm của mình?
Ông Đỗ Văn Ân: Trong tự phê bình và phê bình vừa qua có thể thấy, đi đôi với số cán bộ, đảng viên dám phát hiện, đấu tranh với tiêu cực thì vẫn còn có người vì lợi ích cá nhân. Tôi không đụng đến anh thì anh cũng đừng đụng đến tôi và vì bản thân còn khuyết điểm nên không dám nói khuyết điểm của người khác.
Để hoàn thành yêu cầu theo phương hướng nhân sự BCH Trung ương đề ra thì tất cả các cấp, trước khi vào Đại hội nên tiến hành đợt tự phê bình và phê bình trong nhiệm kỳ vừa qua anh đã làm được cái gì, đóng góp trí tuệ gì cho Đảng, cho dân theo chức trách nhiệm vụ. Phẩm chất đạo đức có vấn đề gì không? Vợ, chồng, con cái, anh em có gì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực?...
Cùng với đó tiến hành kê khai tài sản, công bố công khai, đặc biệt ở nơi cư trú và nơi công tác của cán bộ để người dân biết và giám sát; thông qua Mặt trận các cấp đại diện cho dân để xem có vấn đề gì không. Nếu có thì cơ quan thanh tra, kiểm tra phải xác minh làm cho rõ trước khi giới thiệu vào các cấp lãnh đạo.
PV: Công tác cán bộ là yếu tố then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Theo ông, việc thực hiện này thời gian qua liệu đã đáp ứng được yêu cầu đề ra?
Ông Đỗ Văn Ân: Đúng là công tác cán bộ như Bác Hồ nói là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, quyết định thành bại là ở đội ngũ cán bộ. Kỳ này Trung ương đề ra yêu cầu về nhân sự tương xứng với đòi hỏi mới.
Lâu nay công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, nhưng đúng ra chưa theo kịp yêu cầu, để xảy ra tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức.
Kinh nghiệm cho thấy chỉ cần làm đúng những quy định của Đảng sẽ lựa chọn được cán bộ đáp ứng yêu cầu. Công tác tự phê bình và phê bình ở thời chúng tôi rất được coi trọng.
Trước khi phê bình thì lấy ý kiến các cấp, của Mặt trận, đoàn thể xem đồng chí ở Sở này, ban kia có vấn đề gì không, rồi để xem anh tiếp thu ra sao. Cơ quan kiểm tra, thanh tra phải nắm được để phục vụ cho đợt tự phê bình và phê bình.
PV: Từ hơn 20 năm trước, Đảng ta đã chỉ rõ 4 nguy cơ: Tụt hậu, chệch hướng, quan liêu tham nhũng và diễn biến hòa bình. Những nguy cơ này biểu hiện như thế nào trong tình hình hiện nay, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Tôi nghĩ 4 nguy cơ mà Đảng chỉ ra hiện nay vẫn đang hiện hữu và trở nên bức thiết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt là nguy cơ suy thoái phẩm chất chính trị và đạo đức lối sống, vì từ cái này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Do đó, điều quyết định là chọn cử cán bộ vào Trung ương phải là những người tiêu biểu. Chọn cán bộ một cách công tâm, khách quan vì lợi ích đất nước, của nhân dân./.