Cách mạng Tháng Tám 1945 với sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến lên hoàn thành sự nghiệp giành độc lập rất vẻ vang. Cuộc cách mạng thành công đã để lại bài học lớn đó là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ tinh thần yêu nước của cả dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) |
PV: Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã để lại nhiều bài học quan trọng, trong đó có bài học về đại đoàn kết lòng dân. Ông có thể phân tích rõ hơn về bài học này?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Khi chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩm Đường cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định cách mạng là sự nghiệp chung của dân chúng chứ không của một, hai người. Khi cuộc cách mạng ấy thành công, lợi ích mang lại cho dân chúng phần nhiều, chứ không phải cho một nhóm người. Quan điểm về cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là rất rõ ràng, từ dân và cuối cùng là vì dân.
Đầu năm 1941, Người về nước xây dựng căn cứ ở Cao Bằng, bắt đầu hoàn thiện đường lối giải phóng dân tộc, để đi tới cuộc đấu tranh giành độc lập. Sự hoàn thiện ấy chính là Hội nghị TW 8 tháng 5/1941 ở Cao Bằng. Lúc vận động phong trào cách mạng ở Cao Bằng để phát triển rộng ra cả nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: chúng ta bắt đầu từ đâu, Bác trả lời: bắt đầu từ dân, có dân sẽ có súng, có tất cả. Đấy là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quán triệt đường lối.
Vì thế, Hội nghị TW 8 đã quyết định hàng loạt vấn đề về đường lối cách mạng để giải phóng dân tộc, trong đó có một quyết định vô cùng quan trọng là thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận ấy là tổ chức tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tinh thần của Mặt trận Việt Minh là khơi dậy mạnh mẽ sức dân và tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam để đi tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi năm 1945.
Song song với quá trình vận động cách mạng ấy là quá trình phát triển lực lượng, thành phần chủ yếu trong đó là nhân dân. Từ lực lượng quần chúng ấy được xây dựng thành lực lượng vũ trang, xây dựng thành căn cứ địa cách mạng và hình thành nên vùng giải phóng Việt Bắc. Thời điểm đó, Mặt trận Việt Minh cũng có lúc làm chức năng của chính quyền cách mạng, vận động tổ chức quần chúng nhân dân, giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, đấu tranh vũ trang để đi tới cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Khi điều kiện thời cơ xuất hiện, Đảng và Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã quyết định tổng khởi nghĩa vào nửa cuối tháng 8/1945 với sự vùng dậy của cả dân tộc với tinh thần “toàn thể quốc dân đứng lên đem sức ta tự giải phóng cho ta”.
PV: Bài học về đoàn kết lòng dân đó còn là mấu chốt thành công trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ ra đời sau Cách mạng Tháng Tám. Bài học đó còn nguyên giá trị đến hiện nay, phải không thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Bài học về đại đoàn kết dân tộc cho đến nay vẫn nguyên giá trị, đặc biệt trong công cuộc đổi mới hiện nay. Trong công cuộc đổi mới, chúng ta giành được khá nhiều thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh, đối ngoại… đó là những thành tựu to lớn và toàn diện.
Có được những thành tựu ấy là nhờ đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI năm 1986, nhờ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước nhưng quan trọng hơn cả là không thể thiếu sức dân. Chính công nhân, nông dân, trí thức, các tầng lớp lao động khác, các dân tộc, tôn giáo kể cả người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp vào sự đổi mới này.
Sở dĩ đoàn kết được lòng dân là do Đảng đã sớm đưa ra được quan điểm đoàn kết dân tộc phải lấy mục tiêu chung của đất nước (đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh) làm điểm tương đồng nhưng đồng thời cũng chú ý tới lợi ích riêng của các giai cấp, của các tầng lớp, không để lợi ích riêng trái với lợi ích chung của dân tộc, tạo ra sự hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, sự nghiệp chung của đất nước và sự đóng góp riêng của mỗi người.
Liên hệ với thực tiễn đất nước hiện nay, chúng ta cũng cần tăng cường đoàn kết dân tộc hơn, chống lại những thủ đoạn chia rẽ Đảng, nhà nước với dân của các thế lực thù địch; chăm lo hơn nữa lợi ích của dân, nâng cao đời sống mọi mặt của dân, đặc biệt là dân chủ.
Vừa rồi, BCH Trung ương khóa XI đã có Nghị quyết về đổi mới công tác dân vận trong thời kỳ mới. Công việc cần làm hiện nay là thực hiện tốt những nội dung của Nghị quyết đề ra, đó là: gần dân, hiểu dân, tin dân; tự đó hoạch định và thực thi chính sách sao cho hợp lòng dân, mang lại lợi ích cho dân.
PV: Thực tiễn đất nước hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng đang có sự mất lòng tin trong một bộ phận dân chúng. Phải chăng việc tiếp thu, kế thừa các bài học từ cuộc cách mạng tháng Tám chưa được coi trọng hay không còn phù hợp với thực tế xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Về mặt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, ngay từ khi thành lập Đảng và ngay từ khi thành lập chính quyền nhà nước năm 1945, Đảng, Nhà nước đã nêu ra những quan điểm rất cơ bản để chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp của dân, do dân, vì dân và đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không phải lúc nào quan điểm, đường lối, chủ trương ở tầm vĩ mô của Đảng đều được quán triệt sâu sắc, được thực thi tốt, cũng có những việc này, việc khác làm chưa tốt.
Ngay từ lúc mới thành lập chính quyền cách mạng cũng đã nảy sinh những tiêu cực. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thì ngày 17/10/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho UBND các cấp, nêu ra 6 “căn bệnh” trong bộ máy chính quyền nhà nước, đó là: tư túng, bè phái, chia rẽ, kiêu ngạo, hủ hóa. Trong nhiều bài báo đăng trên báo Cứu Quốc, Bác cũng nêu ra những hiện tượng như dân tin ở chính quyền trung ương nhiều hơn chính quyền cơ sở. Đó là lý do vì sao Bác Hồ phải viết cuốn Sửa đổi lề lối làm việc năm 1947 để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, thực chất là hư hỏng, trong đó nổi lên là nạn tham nhũng. Những vấn đề đó ảnh hưởng tới niềm tin của quần chúng nhân dân. Người dân nhìn vào cán bộ, đảng viên, những người có chức quyền giàu có, sung túc, xa dân, hống hách họ không thể không suy nghĩ.
Để củng cố niềm tin của dân với Đảng, không có cách nào khác là phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ như vậy. Tuy nhiên, việc sửa chữa ấy đòi hỏi một quá trình, phải kiên trì, để giáo dục cán bộ theo đúng tiêu chuẩn, đường lối của Đảng, đồng thời động viên nhân dân giám sát hoạt động của cán bộ có chức quyền, dần dần củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân, bớt dần những hành vi tiêu cực. Bác Hồ đã gọi cuộc đấu tranh chống tiêu cực là cuộc chiến đấu khổng lồ. Tuy cuộc đấu tranh đó là vô cùng khó khăn nhưng vẫn phải quyết tâm và làm tới cùng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.