Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…”.

Nhiều Đảng viên và dư luận nhân dân rất phấn khởi hoan nghênh và đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát hiện cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác…?

Phải niêm yết công khai bản kê khai tài sản của cán bộ

Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng những quy định về kê khai tài sản ở Việt Nam đã thực hiện nhiều năm nay nhưng làm thế nào để nhận biết sự trung thực trong khai báo ấy và tránh kê khai hình thức.

vu_quoc_hung_ovsn.jpg
Ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
“Cán bộ phải kê khai tài sản của mình và ký ở dưới cam đoan chịu trách nhiệm về tính trung thực của sự khai báo ấy. Sau đó, các cơ quan chức năng được Trung ương cử ra, chọn những người thẳng thắn, trung thực, vô tư đi thẩm tra, xác minh xem những khai báo đó có đúng không. Nếu có điều gì khuất tất thì phải báo cáo đầy đủ với tổ chức.

Việc khai báo này cũng nên mở rộng trong nhân dân. Trước tiên là khai báo tài sản cho toàn cơ quan được biết, sau đó là tại nơi cư trú, thậm chí niêm yết công khai. Còn thực tế lâu nay là sau khi kê khai tài sản xong thì một bộ phận biết rồi cất đi, cộng với sự nể nang, né tránh thì không ổn”, ông Vũ Quốc Hùng đề xuất.

Trên thực tế thời gian qua, đã có những xì xào về việc cán bộ kê khai tài sản không trung thực hoặc đưa những tài sản cho vợ, con, cháu, dâu, rể đứng tên. Theo ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, phải làm cho rõ khối tài sản đó ở đâu vì vợ, con, cháu của các cán bộ lãnh đạo không thể bỗng dưng giàu có được. Giàu chính là tiền của người cán bộ đó đưa cho vợ, con, cháu; hoặc người cán bộ đó tạo điều kiện cho con, cháu làm ăn phi pháp, buôn lậu, núp dưới những bóng “minh quân” nào đó để được mua cổ phiếu, tham gia cổ phần các doanh nghiệp, làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo ngân hàng...

“Phải phát động dân chủ hóa, công khai vấn đề chi tiêu, lương bổng, phụ cấp và những quyền lợi của người cán bộ. Như tôi nghe thông tin có cán bộ có cổ phần ở ngân hàng nhiều tỷ đồng không rõ nguồn gốc phát sinh hợp pháp, hoặc lĩnh lương trên dưới cả trăm triệu đồng không xứng đáng với đóng góp cá nhân, thì điều đó là vô lý. Mặc dù họ lấy danh nghĩa là thủ trưởng một cơ quan hay Giám đốc một doanh nghiệp nhưng có tài sản và chế độ lương vậy là bất hợp lý.

Do đó, phải công khai việc đó, đưa ra để đấu tranh, để người dân góp ý kiến xem họ có xứng đáng được hưởng mức như thế không, hay phải ngăn chặn những trường hợp hưởng thụ bất minh, quan hệ, chạy chọt, dùng tiền để mua chức vụ...

Vấn đề mà Tổng Bí thư đã nêu là rất đúng. Phải căn cứ vào tiêu chuẩn, vào phẩm chất, kê khai tài sản cá nhân; căn cứ vào khảo sát để xem người cán bộ đó và gia đình họ làm ăn có nghiêm túc không, hay lợi dụng vị trí lãnh đạo để làm ăn phi pháp”, ông Lê Quang Thưởng bày tỏ.

Ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

Phải có luật về kiểm kê tài sản

Theo ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay, việc rèn luyện của mỗi cá nhân không phải dễ dàng. Một người rèn luyện, giữ gìn nhưng khi thấy cái xấu tràn lan cả xã hội liệu họ có bị “lung lay”? Những người sống liêm khiết, đúng đắn không được quan tâm đúng mức. Những người tham nhũng không bị phê phán, kiểm điểm. Cuối cùng “hòa cả làng”. Vấn nạn tham nhũng hiện nay như một “làn sóng” tràn lan trong xã hội.

“Đã hơn 10 năm nay chúng ta thực hiện kê khai tài sản, nhưng tôi cho rằng việc kê khai vẫn mang tính hình thức. Chủ yếu mới là tự kê khai, còn việc đánh giá những kê khai đó chưa làm đến nơi đến chốn. Như vậy không thể giải quyết được tham nhũng. Vấn đề quan trọng để đánh giá có tham nhũng hay không là thể hiện bằng tài sản. Nếu không đánh giá được thực chất kê khai tài sản thì chống tham nhũng vẫn chỉ là hình thức.

Theo tôi, cần có giải pháp mạnh về vấn đề kê khai tài sản, đó là phải có luật về kiểm kê tài sản. Sau này chúng ta phải xây dựng Bộ luật về chống tham nhũng, trong đó có nhiều luật nhỏ như luật kiểm kê tài sản. Nếu chỉ quy định vấn đề kiểm kê tài sản trong một vài điều, một chương của luật chống tham nhũng là không thể hiện rõ tầm quan trọng của nội dung này. Bởi nếu coi kiểm kê tài sản là vấn đề mấu chốt của chống tham nhũng thì bắt buộc phải có luật”, ông Vũ Mão nêu ý kiến.

Phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) muốn phát hiện và loại bỏ những cán bộ có khuyết điểm thì phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.

“Những chuẩn mực mà Tổng Bí thư nêu ra rất cơ bản và nhất thiết phải làm, nhưng làm cách nào thì đòi hỏi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở tất cả các cấp chứ không riêng Trung ương. Nếu nêu như vậy nhưng vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng không nghiêm, xuê xoa, dĩ hòa vi quý, thậm chí, bị chi phối bởi lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân hay bởi quan hệ khác thì sẽ làm mất đi tính nghiêm minh. Người nào không đạt được chuẩn mực đó thì gạt khỏi ngay thì mới mang lại kết quả.

Tôi hoàn toàn ủng hộ những tiêu chí, chuẩn mực đặt ra đối với các Ủy viên Trung ương khóa XII tới. Nhưng giữa tiêu chuẩn đặt ra và thực hiện trong thực tế có khoảng cách, đòi hỏi nỗ lực, vai trò lãnh đạo kiên quyết của Đảng từ cấp Trung ương đến cơ sở. Đồng thời trên cơ sở kỷ luật Đảng và pháp luật thì mới phát hiện được những người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan lãnh đạo.

Một vấn đề cũng rất quan trọng là phải lắng nghe ý kiến nhân dân. Dân phát hiện cán bộ tốt hay không tốt, giỏi hay không giỏi rất chính xác, nên phải làm thế nào lắng nghe ý kiến của dân để họ góp ý chọn những người vào các vị trí lãnh đạo từ cấp cao nhất cho tới cơ sở. Vì xét đến cùng, theo Bác Hồ đã nói: lãnh đạo này là để lãnh đạo dân và dân chịu sự lãnh đạo ấy. Người lãnh đạo tốt thì dân được nhờ, người lãnh đạo kém thì người dân sẽ phải chịu hậu quả của sự kém cỏi đó”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng
Ngày 28/5, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai phương hướng công tác nhân sự và Quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: Việc chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng là một nhiệm vụ rất quan trọng. Cùng với công tác văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp đã và đang được triển khai tích cực, công tác nhân sự cũng bắt đầu được tiến hành và hết sức chú trọng, bởi đây là vấn đề có tính quyết định.

Theo Tổng Bí thư, cần quán triệt ở dưới phải nhấn mạnh cao độ tinh thần trách nhiệm, nắm vững nguyên tắc. Tinh thần của những người cộng sản là đặt lợi ích của Đảng, đất nước lên trên hết, không vì cá nhân, lợi ích cục bộ, phải trong sáng, công tâm, khách quan, mong muốn xây dựng cơ quan lãnh đạo cao nhất ở các cấp và đặc biệt là ở Trung ương phải thực sự trong sạch, vững mạnh, là một tập thể đoàn kết thống nhất cao, đủ trí tuệ, phẩm chất, năng lực, quan hệ tốt với dân, không tham nhũng tiêu cực, không vướng vào lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải nắm chắc quy trình, phương pháp, cái nào làm trước, cái nào làm sau, nếu làm công tâm, trong sáng, khách quan, nắm chắc yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp, cách làm, phát huy trí tuệ tập thể thì chắc chắn sẽ thành công./.