Sau 1 năm chậm tiến độ, ngày mai (15/12) là thời điểm dự kiến vận hành thử tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội (được đầu tư lên đến 55 triệu USD, tương đương trên 1.100 tỉ đồng bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới WB) lộ trình từ bến Kim Mã (quận Ba Đình) đến Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

brt1_vov_rbqa.jpg
35 xe buýt nhanh BRT đã nhập về chuẩn bị chạy thử nhưng nhìn bề ngoài vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu BKS, biển tên tuyến chạy.

Sáng 14/12, khảo sát của PV, từ điểm cuối Yên Nghĩa ra đường Nguyễn Trãi – Hà Đông, sang Lê Văn Lương -Láng Hạ - Giảng Võ…hạng mục, nhà ga của tuyến xe buýt này vẫn còn ngổn ngang, nhếch nhác, các công nhân và lao động thủ công vẫn đang thực hiện các công việc vệ sinh, lắp đặt các hạng mục chưa hoàn thiện. Xe buýt cũng chưa được lắp đặt biển số, số hiệu tuyến cũng như các phụ kiện liên quan.

Lo nhất là lại tắc đường

Điều đáng lo nhất là tuyến xe buýt nhanh này sẽ hoạt động như thế nào, hay lại gây thêm tắc nghẽn giao thông vốn đã “mãn tính” trên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ...? Xe buýt nhanh vốn đã không nhanh hơn xe máy và chưa chắc đã có lợi thế vượt trội so với xe buýt thường. Sự nghi ngại tuyến buýt nhanh sẽ “vỡ trận”, làm hỗn loạn thêm tình hình giao thông của thủ đô là hiện thực, việc đưa xe buýt nhanh vào rất khó phát huy hiệu quả.

Nhiều điểm vào nhà chờ xe buýt nhanh BRT vẫn chưa hoàn thiện.

Ông Phan Chương, ở Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa cho biết, đoạn đường láng, chỗ cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, không phải cao điểm đã luôn ùn tắc, xe máy đã phải đi cả lên vỉa hè rồi.  “Cùng 1 chiều đường, một bên này là điểm dừng của xe buýt hiện tại, 1 bên là điểm dừng của xe buýt nhanh, vậy còn phương tiện khác đi lối nào, tôi nghĩ là thử nghiệm rồi phải thay đổi, không thì nhanh mà không có đường đi thì cũng thành chậm”, ông Dũng phân tích.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ thì nguy cơ vỡ trận tuyến buýt nhanh này hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc xây dựng tuyến xe buýt nhanh chỉ mất nửa năm đến 1 năm vì đầu tư không có gì ghê gớm nhưng ở Việt Nam do lấy nguyên mẫu mô hình ở nước ngoài lại đòi hỏi quá cao nên cuối cùng kéo dài 4 - 5 năm gây ra lãng phí.

“Hiện đường thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào”, ông Nguyễn Xuân Thuỷ nêu thực trạng.

Còn ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng trước mắt chúng ta nên làm thí điểm, theo dõi và thấy bất cập là phải tháo gỡ ngay.

“Phải chạy thử rồi rút kinh nghiệm, thậm chí ngừng lại để bổ sung các điều kiện kỹ thuật cho đảm bảo. Các nhà quản lý giao thông cần thay đổi tư duy, phải tham khảo ý kiến các chuyên gia nhà khoa học, người dân chứ không thể “cứ hứng lên làm” và cứ “có dự án thì ký ngay rồi chẳng có ai chịu trách nhiệm”.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh sau 15 ngày vận hành thử

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, phương án vận hành của xe buýt nhanh có tần suất 5 phút/chuyến, hành trình từ Kim Mã đến Yên Nghĩa mất từ 40- 45 phút cho tổng chiều dài khoảng 14,7km (chậm hơn 8 phút so với thiết kế và nhanh hơn thực tế hiện nay từ 5 - 10 phút); Vận tốc khai thác đạt 19,6km/giờ (chậm hơn so với vận tốc thiết kế 4,2km/giờ). Thời gian vận hành thử là 15 ngày.

Với hạ tầng giao thông ở Hà Nội như hiện nay, nhiều người lo ngại về  tuyến buýt nhanh sẽ vận hành như thế nào để hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trước mắt, vé dùng cho xe buýt nhanh vẫn là thẻ giấy thông thường như vé xe buýt và được bán tại các điểm nhà chờ. Vé lượt dự kiến là 7.000 đồng/lượt. Vé tháng áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường. Tuyến buýt nhanh có số hiệu 99, lộ trình bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa.

“Giai đoạn kiểm chứng kỹ thuật, chúng tôi cố gắng xác nhận lại các chỉ tiêu kỹ thuật đã xây dựng, kiểm chứng trên hiện trường. Thứ 2, đây là giai đoạn để lái xe và nhân viên xe buýt mới đi vào thực hành, làm quen với hạ tầng, điều kiện giao thông để có mức độ thuần thục trước khi vào vận hành chính thức”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Trước băn khoăn tính hiệu quả xe buýt nhanh, ông Dương Đức Thắng - Phó phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở GTVT TP. Hà Nội cho biết: Sở cũng đưa ra các giải pháp ưu tiên cho xe buýt này hoạt động. Sau khi chạy thử xe buýt nhanh BRT, đơn vị sẽ xem quá trình vận hành và tính toán những yếu tố phát sinh kỹ thuật.

Theo ông Thắng, trên trục đường Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Kim Mã lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông khá đông nên việc tổ chức giao thông cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định.

Hiệu quả của dự án xe buýt hơn 1.100 tỉ đồng này cần thời gian để đánh giá./.