Sáng nay (30/7), tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công An tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hiệp định giữa Việt Nam và Lào về phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán giai đoạn 2010 – 2013.
Qua 3 năm triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam – Lào về phòng chống buôn bán người đã được chính phủ 2 nước cũng như các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, tích cực với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trong đó nổi bật là công tác điều tra khảo sát tuyến và địa bàn trọng điểm, duy trì cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin, giao ban, gặp gỡ thường xuyên và định kỳ giữa các cấp, các ngành địa phương biên giới.
Nhờ đó đã chủ động phòng ngừa ngăn chặn tội phạm buôn bán người qua biên giới Việt Nam – Lào, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết hai nước.
Tuy nhiên, Việt Nam và Lào có đường biên giới chung dài hơn 2.000km, đi qua 10 tỉnh với các đường huyết mạch xuyên Á đã thu hút một lượng lớn khách qua lại thăm thân nhân, du lịch, vận chuyển trao đổi hàng hóa, từ đó đã phát sinh các hoạt động tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, tội phạm buôn bán người với các thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hoạt động xuyên quốc gia, siêu lợi nhuận ngày càng gia tăng và phức tạp.
Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh kéo giảm tình hình hoạt động mua bán người, tại hội nghị này, Bộ Công An Việt Nam và Bộ An ninh Lào đã cùng thảo luận, thống nhất và thông qua các nội dung ưu tiên phối hợp thực hiện trong hiệp định như: duy trì tổ chức chiến dịch truyền thông dọc biên giới, phối hợp mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, thông qua tiêu chí xác định nạn nhân buôn bán người, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về sớm hòa nhập cộng đồng.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm , Bộ Công An nói: Hội nghị bàn và thống nhất kế hoạch ưu tiên tục hiện hiệp định giai đoạnh 2013 -2015 mà phía Việt Nam đã dự thảo, trong đó chúng ta bàn thống nhất nội dung các hoạt động , dự kiến, khung thời gian, các biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện một cách thiết thục , hiệu quả với phương chấm đơn giản hóa các thử tục, phù hợp với pháp luật là thông lệ quốc tế./.