Liên tiếp bắt các vụ buôn bán người

Đại tá Trần Văn Phương – Trưởng phòng Tổng hợp – Nghiệp vụ, Cục Phòng chống tội phạm, ma túy – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trong năm 2012, cơ quan này đã xử lý 197 vụ/219 đối tượng mua bán người, giải cứu 201 nạn nhân, tiếp nhận 119 nạn nhân do Trung Quốc trao trả.

Trong tháng 1/2013, lực lượng biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 9 vụ buôn bán người, giải cứu 10 nạn nhân.

Điển hình như ngày 2/1, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Quảng Ninh phối hợp với Công an Móng Cái bắt Hoàng Thị Ân (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) lừa bán 2 phụ nữ sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Ngày 11/1, Đồn Biên phòng Săm Pun phối hợp với cơ quan chức năng Trung Quốc giải cứu hai mẹ con bà Hạ Thị Linh và Hạ Thị Dua (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) khi hai người này bị tấn công và bắt sang vùng nội địa của Trung Quốc.

doituong.jpg
Hai đối tượng là Giàng Thị Mú và Giàng Seo Chứ (Ảnh: TTXVN)

Mới đây nhất ngày 18/1, Biên phòng Thanh Hóa phá chuyên án 203P, bắt hai đối tượng Giàng Thị Mú và Giàng Sèo Chu đang có hình vi buôn bán người.

Nạn buôn người không chỉ “nóng” ở các vùng biên giới mà trong nội địa cũng diễn ra rất phức tạp. Trong đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội vừa qua, lực lượng công an cũng đã phá ba chuyên án mua bán người.

Chuyên án thứ nhất, Công an TP Hà Nội phá ổ mại dâm núp bóng một số quán cà phê ở khu vực Cố Thổ, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hầu hết gái bán dâm là nạn nhân bị mua hoặc ép buộc làm gái bán dâm.

Chuyên án thứ hai là việc Công an TP Hà Nội bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Vương (SN 1982, trú tại xóm Đình, xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Vương đã lừa bán một phụ nữ quê ở huyện Quốc Oai, Hà Nội sang Trung Quốc.

Trong chuyên án này, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn, được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng Trung Quốc để giải cứu, đưa chị Đào Thị H. về nước.

Chuyên án thứ 3 là vụ bắt đối tượng Nguyễn Thị Hương (SN 1987, HKTT và nơi ở tại trị trấn Liên Quan, Thạch Thất, Hà Nội). Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, khoảng đầu tháng 4/2012, Hương có gặp nam thanh niên tên là Hai là bạn của Trung nhà ở huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Hai nói với Hương tìm các cô gái trẻ bán cho một phụ nữ tên là Liên nhà ở Chùa Mía, Sơn Tây để Liên bán sang Trung Quốc.

Sau đó Hương đã gặp trực tiếp Liên và được Liên thỏa thuận mỗi phụ nữ Hương lừa sẽ được Liên trả cho 10 triệu đồng. Từ đây, với thủ đoạn giới thiệu đi bán hàng thuê, ngày 9/4/2012, Hương đã lừa chị Nguyễn Thị H. (SN 1995) và Cấn Huyền T. (SN 1994), ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đến bán cho Liên với giá 10 triệu đồng.

Theo yêu cầu của Liên, Hương về lừa tiếp Nguyễn Thị Thu H. (SN 1992) - là chị gái của Nguyễn Thị H. đến bán cho Liên. Sau đó Hương đã cùng Liên và 4 đối tượng khác đưa Nguyễn Thị H., Cấn Huyền T. đến Bến xe Mỹ Đình và đón thêm 1 phụ nữ tên là Hải đi cùng. Chúng đưa tất cả 4 người sang Trung Quốc bán vào ổ mại dâm.

Hiện Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội đang tiếp tục tập trung điều tra, mở rộng 3 chuyên án để sớm kết luận, xử lý các đối tượng trước pháp luật và phối hợp giải cứu các nạn nhân.

Tăng nặng hình thức xử phạt

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian qua, hoạt động mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp (chủ yếu các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung) là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ các tỉnh nội địa bán sang Trung Quốc.

Từ cuối năm 2011 đến nay, bọn buôn người bắt đầu hoạt động với các phương thức mới như: Phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với số đối tượng là dân tộc Mông trong nước, lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn (Lào) để lừa bán phụ nữ Mông (Lào) sang Trung Quốc.

Các chiến sỹ Biên phòng Lào Cai tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán

Bên cạnh các hoạt động mua bán người qua biên giới, các đối tượng còn lừa gạt số phụ nữ khó khăn về kinh tế, trình độ lạc hậu về các khu du lịch ven biển thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang làm gái mại dâm, bóc lột tình dục, sức lao động.

Tình hình bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Các đối tượng người Trung Quốc móc nối với một số đối tượng trong nước bắt cóc phụ nữ trẻ em ngay tại nhà các đối tượng gây hoang mang dư luận.

Buôn bán người đang trở thành vấn nạn khó xử lý vì lợi nhuận đem lại cho các con buôn rất lớn, bởi vậy chúng không ngần ngại vi phạm pháp luật để thu lợi.

Theo Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng phòng Luật sư Vì dân, bảo vệ quyền con người, không coi con người là hàng hóa được Công ước về hành động chống buôn người quy định. Việt Nam cũng tham gia và hoạt động tích cực theo công ước này.

Ở Việt Nam việc buôn bán người có nhiều động cơ, mục đích khác nhau, như bắt đi làm gái mại dâm, buôn bán trẻ con…. Đây là vấn đề thời sự nhức nhối. Bởi vậy để hạn chế vấn đề này cần sự vào cuộc của gia đình, xã hội và sự bảo vệ của pháp luật.

Tội buôn bán người được Điều 119, Bộ Luật Hình sự quy định, mức thấp nhất cho tội danh này ở mức 2-7 năm tù. Mức phạt cao nhất từ 5-20 năm tù cho các mục đích Vì mục đích mại dâm; Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Để đưa ra nước ngoài; Đối với nhiều người; Phạm tội nhiều lần. Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

“Tôi cho rằng, hình phạt với hành vi này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe”, Luật sư Triển nói. Bởi vậy để hạn chế vấn nạn này, Luật sư Triển cho rằng, chúng ta cần phải áp dụng hình phạt cao nhất là “tử hình” đối với hành vi mua bán người./.