Chiều 25/10, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi số: Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo việc làm và tương lai kỹ năng cho người lao động Việt Nam”.
Ông Simon Mathews, Giám đốc vùng phụ trách Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông của Tập đoàn Manpower cho biết, lực lượng lao động toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thế giới việc làm, được đẩy nhanh bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số và Covid-19. Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB-XH), có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội toàn cầu, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên liên quan để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới.
“Khi việc tiêm ngừa vaccine được triển khai trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường lao động trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi", Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Thời gian vừa qua, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam còn hỗ trợ cho lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ, viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, lao động không có giao kết hợp đồng, hỗ trợ cho hộ kinh doanh, tiền ăn đối với người điều trị Covid-19 và trẻ em phải điều trị và cách ly. Tuy nhiên, đại dịch được dự báo sẽ diễn biến khó lường, đòi hỏi lĩnh vực lao động, việc làm phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và phải thay đổi phần lớn cách thức vận hành hiện đại, số hóa để thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trải qua đại dịch, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến đời sống, tâm lý, thể chất của người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho người lao động làm việc. Bên cạnh đó, tác động của chuyển đổi số đối với lĩnh vực lao động việc làm là rất lớn. Chuyển đổi số vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho việc phát triển lực lượng lao động thông qua việc đưa các định hướng mới của Chính phủ về chuyển đổi số vào cuộc sống, cùng với đó là việc trang bị các kỹ năng cho người lao động, hướng tới đảm bảo việc làm, nâng cao năng suất lao động./.