Chỉ tính riêng tại TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, trong 5 tháng vừa qua, dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn. Trong 5 tháng qua, chỉ có 70 doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động, trong khi đó 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.
Ở TP.HCM, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông. Hầu hết các doanh nghiệp không còn sức chịu đựng trước đại dịch dẫn đến tình trạng phá sản.
Hiện TP.HCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với 1.600 doanh nghiệp với 322.000 công nhân cũng rất khó khăn và không thể duy trì "3 tại chỗ" vì chi phí quá cao. Đặc biệt khoảng 660.000 lao động tự do cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Về cung ứng lao động, 5 tháng qua tỉ lệ lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ việc. Mất việc nhiều tháng liền, hết tiền, cuộc sống rơi vào tỉnh cảnh khó khăn cùng cực, hàng trăm ngàn lao động ngoại tỉnh tại các trung tâm kinh tế phía Nam đã tìm mọi cách để “tháo chạy” về quê bằng nhiều cách khác nhau. Cuộc dịch chuyển lao động lớn, ồn ạt này cũng đặt ra cho các địa phương khi đón lao động trở về phải giải nhanh bài toán về việc làm tại chỗ cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội mùa dịch.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua số liệu khảo sát của Sở LĐ-TB-XH Đồng Tháp, tính đến ngày 8/10, trong tổng số 21.989 người từ 18 tuổi trở về tỉnh có 21.514 người có nhu cầu tìm việc làm, học nghề, tự tạo việc làm (khởi nghiệp), tham gia đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng...
Trong khi đó, số doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động là 114 doanh nghiệp, với tổng số lao động tuyển dụng hơn 18.000 người, 69 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng cũng với số lượng trên. Ngoài ra, các Nghiệp đoàn Nhật Bản, Công ty về nhân lực Ba Lan và Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao Australia cũng có nhu cầu tuyển 873 lao động.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, ngành lao động tỉnh đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động kết nối cung cầu với người lao động đang sinh sống trên địa bàn và lao động trở về từ các tỉnh để giới thiệu cho các doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp tổ chức tiếp nhận người lao động đến doanh nghiệp.
Đối với lực lượng lao động trở về từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu đi làm ngay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp kết nối cung ứng giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu, làm đầu mối tiếp nhận thông tin, hỗ trợ hướng dẫn hồ sơ, thực hiện thủ tục trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn học nghề, chính sách pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động về địa phương bị mất việc tìm việc làm mới…
Còn theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, có hơn 17.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về Gia Lai. Tỉnh Gia Lai nhận định, bài toán tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Gia Lai cho biết, hiện đang phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp số lượng lao động từ các tỉnh trở về, phân loại theo ngành nghề, trình độ đào tạo, nhu cầu tìm việc để xây dựng triển khai các phương án đặt hàng đào tạo hoặc cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Sở cũng đã chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm nắm bắt đầy đủ thông tin để hỗ trợ, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH Gia Lai cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối cung-cầu lao động theo các hình thức như cổng thông tin điện tử về việc làm, bản tin, website, các phương tiện thông tin đại chúng... Đồng thời, tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động về các địa phương, đặc biệt là những địa bàn có đông người lao động, người dân tộc thiểu số, lao động nhàn rỗi để kết nối với doanh nghiệp được thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết việc làm cho người lao động.
Mặt khác, ngành lao động tỉnh Gia Lai cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chú trọng các thị trường có thu nhập tốt, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các địa phương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trở về từ các tỉnh phía Nam. Sở cũng chú trọng kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, đúng đối tượng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, việc người lao động về quê trong hoàn cảnh này là nhu cầu di cư đúng theo quy luật tự nhiên. Không chỉ trong y tế mà cả kinh tế cũng có chỉ số sinh tồn, nếu không có cơm ăn, áo mặc, không có việc làm, hết tiền, người lao động cũng không thể tồn tại nổi ở các thành phố lớn. Trong hoàn cảnh này không thể giữ chân và cũng không nên giữ chân người lao động ở lại các thành phố.
Chuyên gia này cho rằng, đáng ra các địa phương cần khảo sát từ sớm nhu cầu về quê của người lao động, bởi khi chìm trong đại dịch nhiều tháng liền, mất việc, hết tiền, mức tiền hỗ trợ cũng không thể giúp người lao động đủ sống giữa thành phố, nên về quê là nhu cầu tất yếu. Sau khi người lao động rời TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam về quê, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần thực hiện ngay các giải pháp về việc làm ngắn hạn và việc làm địa phương. Đặc biệt, cần khảo sát nhu cầu tìm việc của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để từ đó có cơ sở dữ liệu kết nối việc làm, giúp người lao động thoát khỏi “bẫy thất nghiệp” sau đại dịch./.