Hàng chục năm nay, đường Nguyễn Hữu Thọ giao với đường Giải Phóng, nơi cửa ngõ khu đô thị Linh Đàm trở thành “nút thắt cổ chai” thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tình trạng đó không chỉ ám ảnh người đi đường mà còn làm mất mỹ quan đô thị và làm giảm giá trị của khu dân cư kiểu mẫu này.

Ám ảnh tắc đường

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội ban hành hai Quyết định thu hồi đất tại xã Hoàng Liệt (nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) giao Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (nay là Tổng công ty HUD) làm chủ đầu tư để xây dựng khu đô thị Linh Đàm. “Nút cổ chai” tiếp giáp đường Giải Phóng nằm trong dự án đường quanh hồ Linh Đàm giai đoạn 1.

3_citc.jpg 
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra ở nút cổ chai Linh Đàm.

Đây là tuyến giao thông trọng điểm, mỗi ngày có hàng vạn lượt phương tiện từ Mỹ Đình, Thanh Xuân, Hà Đông, đường vành đai 3 qua Linh Đàm đổ ra, từ cửa ngõ phía nam Thủ đô đi vào khiến “nút cổ chai” ách tắc bất cứ lúc nào. Đặc biệt mỗi khi có tàu hỏa chạy qua, các loại phương tiện ùn ứ kéo dài cả km. Một số người dân ở đây phản ánh, tình trạng ách  giao thông thường xuyên xảy ra vào từ 7h- 8h30, và từ 16-17h30 hàng ngày.

Lực lượng CSGT lúc nào cũng cắt cử người túc trực để điều hành giao thông tại “nút cổ chai” này. Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Đội CSGT số 14, Phòng CSGT - Công an Hà Nội cho biết: “Nút giao thông giữa đường Giải Phóng và “nút thắt cổ chai” thường xuyên ùn ứ giao thông, nhất là khi có tàu chạy qua. Những ngày đầu tuần và cuối tuần, lưu lượng giao thông gia tăng, 4-5 cảnh sát tăng cường tham gia phân luồng ở nút giao thông này”.

Cũng theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai, tình trạng ùn tắc ở nút giao thông này gây bức xúc cho người tham gia giao thông cũng như các hộ dân trong khu vực do chưa giải phóng được mặt bằng.

 
Điểm đầu "nút thắt cổ chai" ra đường Giải Phóng

Lúng túng, không thống nhất mức đền bù

 “Nút cổ chai” Linh Đàm thuộc tổ 12, phường Hoàng Liệt (còn gọi là xóm Cầu Tiên) có 8142m2 đất bị thu hồi, liên quan đến 25 hộ và 2 tổ chức. Đến nay còn lại 4 hộ dân với hơn 3.660m2 chưa giải tỏa được.

Các cấp chính quyền cùng một số sở, ngành của Hà Nội đã tổ chức tới vài chục cuộc họp và “sản xuất” hàng trăm văn bản để giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm. Trong khi bốn hộ đề nghị “thu hồi đất bao nhiêu để làm đường thì đền bù bấy nhiêu theo sát giá thị trường, phần còn lại để họ tiếp tục sử dụng”, thì cơ quan tham mưu lại không thống nhất được phương án bồi thường. Mỗi nơi một lý lẽ riêng đưa ra các mức tiền khác nhau.

Ông Nguyễn Kim Thành, 1 trong 4 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho biết, ông ở đây gần 40 năm kể từ khi khu đất còn là nơi sản xuất thức ăn cho trại cá Hà Nội. Ông có gần 2.200m2 bị thu hồi (chiếm 60%) diện tích còn lại ở “nút thắt cổ chai” này.

Ông Nguyễn Kim Thành

Từ năm 2000 đến nay ông không đồng ý với quyết định thu hồi đất và liên tục khiếu nại. Số tiền đền bù, diện tích đất tái định cư vì thế mà tăng dần. Vào cuối năm 2010 dù được phê duyệt 8,5 tỉ đồng đền bù về đất, hai suất tái định cư 130m2, nhưng ông Thành không chấp nhận.

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, năm 2013, UBND thành phố lại đồng ý mức đền bù mới cho ông hơn 14,6 tỉ đồng cùng 4 suất đất tái định cư 360m2. Trong khi đó UBND quận Hoàng Mai cùng với HUD đề xuất mức đền bù khoảng 32,6 tỉ đồng (do HUD chi trả), “vênh” so với mức tiền thành phố phê duyệt hơn 18 tỉ đồng. Còn Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đề xuất 19,6 tỉ, “vênh” với số tiền được thành phố phê duyệt khoảng 5 tỉ đồng.

 “Nút cổ chai” sẽ còn tồn tại

Mặc dù tiền đền bù đối với gia đình ông Nguyễn Kim Thành năm 2014 đã tăng khoảng 6 tỉ đồng so với năm 2010 và tăng tới 24 tỉ đồng so với số tiền mà quận Hoàng Mai và HUD đề xuất mới đây, nhưng ông Thành vẫn không đồng ý bất cứ phương án nào.

Ông Thành cho rằng, ông không chấp thuận các phương án bồi thường đưa ra. “Luật đất đai quy định rõ Điều 40 là, dự án kinh doanh thì phải thỏa thuận, nhưng từ ngày đầu đến nay chưa khi nào doanh nghiệp ngồi bàn thỏa thuận với chúng tôi cả”, ông Thành nói.

 
Tắc đường ở "nút cổ chai" Linh Đàm.

Tìm mọi cách để giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm, quận Hoàng Mai đã đề xuất rất nhiều phương án, nhưng khi thành phố đồng ý thì dân không chịu; khi thì cả liên ngành, UBND thành phố và dân đều không đồng ý. Ông Nguyễn Viết Trường, Phó trưởng ban phụ trách Ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, UBND quận sẽ xây dựng 3 phương án đền bù khác để xin ý kiến thành phố. Tuy nhiên ông Trường băn khoăn: “Trước chúng tôi đã đề xuất đền bù đất theo hệ số 1,3 liên ngành đã không đồng ý. Nay đề xuất hệ số 1,6 liên ngành có lẽ càng không đồng ý”.

Báo cáo của UBND quận Hoàng Mai gửi UBND thành phố Hà Nội, nêu rõ “Dự án đến nay đã kéo dài 19 năm vẫn chưa hoàn thành. Nếu các Sở, ban ngành và UBND thành phố không xem xét, tháo gỡ các nội dung (UBND quận và HUD đề xuất) thì UBND quận Hoàng Mai rất khó khăn trong việc hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng dự án này”.

Hàng chục năm qua, việc giải tỏa “nút cổ chai” Linh Đàm vẫn chưa tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền phường, quận, doanh nghiệp, các Sở, ngành tham mưu, UBND thành phố Hà Nội và người dân. Số tiền giải phóng mặt bằng đã tăng hàng trăm lần dự tính ban đầu, đó là chưa kể ùn tắc giao thông gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội. Nếu cách giải quyết vẫn thiếu nhất quán như hiện nay, thì  “nút cổ chai” Linh Đàm tiếp tục tồn tại như thách thức các cơ quan chức năng./.