Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngày 11/9/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 16 ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải- Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội và các Bộ liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kết luận như sau:

Công tác chống ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt; số vụ, số điểm và thời gian ùn tắc giao thông tại 2 thành phố đều giảm, góp phần tiết kiệm thời gian, vật chất, bảo đảm môi trường và hiệu quả cho xã hội. Các cấp trung ương đã chỉ đạo quyết liệt, liên tục, cụ thể và đề ra được các giải pháp đúng đắn, đồng bộ. Về phía địa phương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã vào cuộc triển khai thực hiện với các giải pháp hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục an toàn giao thông cho nhân dân; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông; áp dụng nhiều giải pháp đột phá trong công tác tổ chức lại giao thông; thực hiện xã hội hóa và đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý ùn tắc và tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập như chưa thực hiện quyết liệt, đồng bộ việc di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra ngoài khu vực trung tâm; chưa thực hiện tốt công tác giữ gìn trật tự lòng đường, vỉa hè; vẫn còn hiện tượng ùn tắc tại một số tuyến, nút giao trọng điểm; quy hoạch bến xe chưa được xử lý dứt điểm ...

Chính vì thế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy thực hiện các giải pháp đã và đang triển khai thành công, đồng thời rà soát tìm ra nguyên nhân về các giải pháp đề ra mà không thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm, đề xuất triển khai những giải pháp mang tính đột phá nhằm khắc phục và giải quyết triệt để những điểm nghẽn ùn tắc giao thông còn lại, bảo đảm lòng đường dành cho phương tiện, vỉa hè dành cho người đi bộ và xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp. Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, các điểm đen có nguy cơ gây tai nạn giao thông để có giải pháp tổ chức giao thông và xử lý phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, biển hướng dẫn giao thông, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông; lắp đặt bổ sung các nút đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt bổ sung đèn đếm lùi tại các nút giao thông đã lắp đèn tín hiệu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt, triển khai quy hoạch về bến bãi, trạm dừng nghỉ, giao thông tĩnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông; tập trung quản lý các hoạt động vận tải hành khách, triệt để xóa bỏ bến cóc, xe dù, taxi dù tại 2 thành phố; nghiên cứu áp dụng nút giao thông lập thể tại các điểm cần thiết.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu các biện pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt có sức chở lớn...; xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học không để tình trạng đón, đưa học sinh gây ùn tắc giao thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có phương án chống ùn tắc giao thông trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt để điều chỉnh, tối ưu hóa luồng, tuyến xe buýt và nâng cao chất lượng phục vụ của các tuyến xe buýt. Đồng thời điều chỉnh giờ hoạt động, tần suất các tuyến xe buýt phù hợp với phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn. Quản lý có hiệu quả sự gia tăng số lượng và hoạt động của phương tiện taxi. Tập trung huy động lực lượng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi gây ùn tắc, tai nạn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông, kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đậu đỗ xe không đúng quy định. Có cơ chế xã hội hóa đầu tư bến bãi đỗ xe.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các Bộ, ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và xác định tiến độ để bảo đảm thực hiện bằng được chủ trương di dời và bảo đảm quỹ đất sau khi di dời các trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính nhà nước theo đúng kế hoạch.

Bộ Công an tiếp tục tăng cường lực lượng và chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trọng điểm đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trong tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, những vi phạm có dấu hiệu hình sự khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng. Nhân rộng bài học kinh nghiệm phối hợp lực lượng công an, quân đội trong tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, nên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông./.