Thời điểm này, hầu hết các trường đại học đều đã công bố điểm chuẩn đầu vào và bắt đầu nhận hồ sơ của thí sinh tới nhập học. Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển bậc đại học bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT tăng cao so với năm ngoái, có ngành thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển. Đặc biệt, ngành Hàn Quốc học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ở khối C thí sinh phải đạt 3 điểm 10 mới đỗ. Vì sao điểm chuẩn đầu vào các trường đại học năm nay tăng cao? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này. 

PV: Thưa ông, năm nay điểm chuẩn đầu vào các trường đại học, cao đẳng mặc dù đã được dự báo trước nhưng vẫn khiến nhiều phụ huynh và học sinh sốc vì tăng cao. Theo ông, vì đâu mà điểm chuẩn vào các trường lại tăng cao như vậy?

Ông Lê Viết Khuyến: Lý do mà ai cũng thấy là năm nay do dịch Covid-19 nên chương trình cắt giảm đi và đề thi cũng nhẹ nhàng hơn nên điểm cũng tăng lên. Nếu lấy điểm thi tốt nghiệp để xét thì chỉ phù hợp với các trường top giữa và top dưới. Còn các trường tốp đầu không bao giờ phù hợp. Nếu đề khó hơn để phù hợp với các trường tốp cao thì các trường tốp giữa và tốp dưới lại bị ảnh hưởng.

Vì thế, kinh nghiệm không phải Việt Nam mà ở nhiều nước, người ta phải đưa ra tiêu chí phụ chứ không phải chỉ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp phổ thông. Điểm này chỉ là căn cứ sơ tuyển. Những thí sinh được gọi vào nhập học phải làm thêm một bài thi, đề do chính trường đó ra. Điều 34 luật cho phép hoàn toàn nhưng các trường không làm, chỉ có một số ít trường làm.

PV: Thưa ông, thời điểm này, nhiều trường đại học, cao đẳng đã gọi sinh viên nhập học, nhưng câu chuyện thi cử thì vẫn còn rất nóng. Trên các diễn đàn của học sinh, sinh viên những ngày qua tràn ngập những thông tin về việc thí sinh điểm cao trượt đại học. Có trường hợp thí sinh đạt 26 điểm vẫn không đỗ vào trường nào. Nhiều em bày tỏ sự bế tắc, thậm chí có em suy nghĩ về những điều tiêu cực, như trường hợp đau lòng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam khi một học sinh thi rớt đại học tự tử ngay tại nhà. Ông suy nghĩ như thế nào về thực tế này?

Ông Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng lý do ở đây không phải là đổ cho thi mà do em học sinh đó chưa ý thức được năng lực của mình để chọn trường đăng ký vào cho phù hợp. Nếu em ý thức được mình trượt mặc dù điểm cao như thế, như em học sinh Thanh Hóa 10 năm cõng bạn điểm cao, gần như tin tưởng đỗ vào trường y nhưng sau đó thì lại không đỗ vào trường y phải chuyển sang trường khác nhưng em đó không có tiêu cực. Nếu xét về mặt xã hội, nhận thấy còn có một phần do cách tuyển sinh đối với những trường tốp cao mà chỉ lấy dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà không đưa vào tiêu chí phụ khác.

PV: Theo ông, từ vụ việc không mong muốn như vậy xảy ra thì chúng ta cần phải làm gì để đồng hành cùng em, để giúp đỡ những em rơi vào tình trạng bế tắc?

Ông Lê Viết Khuyến:Việc hướng nghiệp cho các em là rất quan trọng để cho các em chọn. Bởi vì, hiện nay, tôi thấy đa số các em chọn ngành nghề vào trường thường theo cảm tính. Thứ hai là chọn theo mong muốn của phụ huynh. Vì vậy, phải làm các em hiểu ngành nghề học để làm những công việc gì và ra trường làm việc được ở đâu. Chúng ta phải tư vấn rất cụ thể, không tư vấn chung chung. Các em xác định năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào, đăng ký vào trường đấy để có khả năng mình được nhận vào học. Con đường đại học không phải là con đường duy nhất. Mỗi người có một nguyện vọng, có một đam mê nhưng nguyện vọng, đam mê phải phù hợp với năng lực của mình. Mình xét thấy năng lực, điều kiện hoàn cảnh không cho phép thì mình đi đường khác.

PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cần tính toán, hay thay đổi cách tuyển sinh đại học ra sao trong những năm tới để không còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc như thí sinh ở tỉnh Quảng Nam?

Ông Lê Viết Khuyến: Về nguyên tắc triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý và đi đúng hướng, chỉ là những giải pháp cần chi tiết, cụ thể hơn, cần phải đưa vào áp dụng thì hiệu quả sẽ cao hơn. Ví dụ như đưa tiêu chí phụ, đây là việc của các trường tốp đầu. Hiệp hội các trường đại học kiến nghị nhiều năm nay, Bộ phải tham gia vào triển khai phần mềm lọc ảo và xem đây là một dịch vụ công để giúp cho thí sinh. Nếu không triển khai trên toàn quốc thì cũng phải triển khai cho từng cụm trường lớn, từng khu vực lớn chứ không phải để cho các trường tự liên hệ với nhau để xác định phần lọc ảo. Chính sách của chúng ta phải tạo ra những tính chất mở vẫn có cơ hội để người học lên cao bằng con đường khác nhau chứ không phải bằng vào ngay đại học.

PV: Xin cảm ơn ông!