Hộ khẩu làm khó người dân

Mới đây, tại cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo một số điểm mới trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, theo ý kiến cá nhân, đại diện Bộ Y tế đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.

vov_pv_ong_tan_dan_so_vang_wkoq.jpg
 Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu.

Ông Tân phân tích: “Quản lý hộ khẩu là một cách quản lý phù hợp ở một giai đoạn nhất định, đặc biệt trong thời bao cấp. Không có hộ khẩu thì làm sao có tem phiếu, sổ gạo và rất nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, nếu kéo quá dài cách quản lý hộ khẩu nói chung sẽ hạn chế quyền công dân, hạn chế các dịch vụ tiếp cận của người dân.

Ông Tân nhấn mạnh: “Chúng ta thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN quản lý hộ khẩu không còn phù hợp nữa, chúng ta cần phải có cách quản lý tốt hơn. Hiến pháp đã quy định tôn trọng tuyệt đối quyền tự do cư trú của mọi công dân. Người dân có quyền tự do cư trú ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam như họ mong muốn, nhưng họ phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nơi mình cư trú, đấy là yêu cầu quan trọng nhất”.

Ông Tân cũng thừa nhận: “Sổ hộ khẩu liên quan tới rất nhiều quyền công dân khác, quyền tiếp cận những dịch vụ xã hội cơ bản. Ví dụ như giáo dục, dịch vụ cung cấp y tế và bảo trợ xã hội khác”.

Bỏ hộ khẩu để giảm chi phí của người di cư

Về việc này, ông Tân dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người di cư đến đều phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ hành chính và các dịch vụ xã hội so với người sở tại. Điều tra mức sống dân cư năm 2008 cho thấy, người di cư chi phí bình quân gấp 1,4 lần so với người sở tại. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, các địa phương cần xóa bỏ những thứ liên quan tới hộ khẩu, nhưng các địa phương không làm được mà phải cần một chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Ông Tân đề xuất bỏ hộ khẩu hoặc cải tiến cách quản lý để thuận lợi hơn cho người dân.
Ông Tân khẳng định: “Hộ khẩu không có lỗi mà chúng ta cần cải tiến cách làm cho phù hợp với hiện tại như thế giới họ đang làm. Chúng ta phải làm thế nào để quản lý dân cư một cách chặt chẽ nhưng đồng thời không gây cản trở tới sự phát triển của đất nước”.

Ông Tân nêu ví dụ: “Hiện có rất nhiều người đi đăng kiểm phương tiện nhưng tự nhiên lại thấy mình nằm trong danh sách vi phạm luật giao thông. Vì sao vậy? Vì chúng ta quản lý chưa tốt và chưa thống nhất nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Một trường hợp khác là vào năm 2015, chúng ta kiểm tra toàn quốc thấy hơn 1 triệu thẻ BHYT trong diện nhà nước cấp trùng nhau. Đó là sự trùng lặp không đáng có và gây lãng phí lớn cho nhà nước”.

Theo ông Tân, công tác quản lý cần đáp ứng mấy yêu cầu sau: tất cả cư dân đều được quản lý, không lẫn với bất kỳ ai, đảm bảo quyền tự do cư trú của mọi công dân. Đây là cách quản lý của các quốc gia văn minh, họ đã đi trước Việt Nam rất nhiều năm. Trên thực tế, chúng ta đã có cách quản lý này nhưng chúng ta chưa vận dụng nhiều.

Năm 1997, Chính phủ Nauy đã giúp Việt Nam chạy thử nghiệm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia tại 3 tỉnh: Hà Tây (cũ), Tây Ninh và Bình Thuận. Theo đó, mỗi người dân khi sinh ra đều được cấp 1 mã số định danh (ID number). Mã số định danh này sẽ gắn liền từ lúc sinh ra đến lúc trở về với cát bụi. Nó được thống nhất trong 1 cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và dùng chung. Nghĩa là tất cả các cơ quan quản lý đều có thể dùng cơ sở dữ liệu đó. Từ đó, mỗi cơ quan đều có thể xây dựng cơ sở dữ liệu riêng cho ngành mình.

Nếu chúng ta quản lý được như vậy thì thật là tuyệt vời. Ví dụ như thuế, đăng ký xe, tội phạm,… đều có thể trích xuất dữ liệu từ đó, rất tiện lợi. Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện cách quản lý hiện đại này và chỉ giao cho duy nhất 1 cơ quan thực hiện. Ở Việt Nam thì quá nhiều ngành, nhiều cơ quan đều muốn quản lý, dẫn đến chồng chéo và không bao quát hết được. Ví dụ như thẻ căn cước công dân, Bộ Công an quản lý từ 14 tuổi trở lên. Vậy từ 14 tuổi trở xuống thì như thế nào?

Bỏ hộ khẩu, người dân đổ xô vào thành phố lớn?

Có ý kiến cho rằng, bỏ hộ khẩu liệu có xảy ra tình trạng người dân đổ xô về thành phố lớn sinh sống làm việc? Ông Tân khẳng định: Quyền cư trú là quyền của công dân dù ở nông thôn hay thành phố. Ngoài ra, đó cũng là tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội.

“Chúng ta không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cản chuyện đó, chúng ta phải hỗ trợ cho quá trình đó. Nhưng chính quyền đô thị phải là người xây dựng quy hoạch, chủ động đón dòng người di cư vào đô thị phù hợp quy luật tự nhiên.

Chiến lược của chúng ta là thúc đẩy đô thị hóa. Đô thị hóa cũng là 1 chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển của một quốc gia”- ông Tân bày tỏ./.