Thời gian gần đây, một số bệnh viện công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh khai trương các phòng khám theo yêu cầu với chất lượng phục vụ được nâng cao hơn so với phòng khám dịch vụ trước kia.

Dù mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng những phòng khám này được bệnh nhân gọi chung bằng tên phòng khám VIP. Những phòng khám theo yêu cầu này hoạt động như thế nào?

Chị Võ Thị Hoàng Lan, 32 tuổi ở quận Tân Phú đưa con gái 2 tuổi đến khám tại Phòng khám theo yêu cầu 2 tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Dù đã gần 17h chiều nhưng lực lượng nhân viên y tế vẫn túc trực thường xuyên ở nơi này. Sau khi kê khai thông tin cá nhân và triệu chứng bệnh thì chỉ sau khoảng 5 phút, con gái của chị Hoàng Lan đã được vào phòng khám Nội tổng quát.
 
phong_kham_vip_tgra.jpg
Đón tiếp bệnh nhi và người nhà tại khu vực Phòng khám theo yêu cầu 2, Bệnh viện Nhi đồng 1 

Chị Võ Thị Hoàng Lan cho biết: “Tôi cũng thường xuyên đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Nhìn thấy phòng khám dịch vụ này cũng rất ngạc nhiên vì phòng khám thoáng, mát, tạo điều kiện cho bệnh nhi. Các cháu đến đây rất thoải mái. Một điều mà tôi rất thích là tên của bệnh nhân hiện lên bảng. Nhiều phụ huynh không để ý số mà chỉ cần nhớ tên con”.

Đây là một trong số nhiều mô hình phòng khám dịch vụ chất lượng cao được hình thành trong thời gian gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tiên có thể kể đến phòng khám V.I.P tại Bệnh viện 115, sau đó là Phòng khám Chất lượng cao tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Phòng khám Chuyên gia tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng khám theo yêu cầu 2 tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Dù khác nhau về tên gọi nhưng những phòng khám này đều giống nhau ở cách phục vụ xem bệnh nhân là khách hàng quan trọng. Chẳng hạn như Phòng khám theo yêu cầu 2 của Bệnh viện Nhi đồng 1 hoạt động theo nguyên tắc “Một điểm dừng – onestop”.

Sau khi được các bác sĩ giỏi thăm khám, bệnh nhi và người nhà chỉ cần chờ đợi tại một khu vực sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng mát. Trong khi đó, nhân viên y tế sẽ đi lấy kết quả xét nghiệm hay siêu âm đưa cho bác sĩ và nhận toa thuốc.

Người nhà chỉ cần lấy thuốc và thanh toán viện phí. Các phòng xét nghiệm, siêu âm và nơi phát thuốc đều tập trung xung quanh khu vực chờ đợi của bệnh nhân. Thời gian chờ đợi của bệnh nhi nhiều nhất chỉ khoảng 30 phút, rất ngắn nếu so với thời gian khám thông thường ở ngay chính Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Duy Tiên, Chủ tịch Công đoàn, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Với mô hình 1 điểm dừng đó, bệnh nhân là trung tâm. Chúng tôi chỉ đang chuẩn hóa hoạt động khám chữa bệnh. Chúng tôi học tập mô hình nước ngoài và cũng xuất phát từ quy định của Bộ Y tế là 1 lần khám bệnh phải từ 10 -15 phút. Hiện tại mình chưa làm được do quá đông. Do đó, chúng tôi xây dựng một khu vực chuẩn với hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí qua thẻ và bệnh nhân được chăm sóc tại chỗ”.

Một trong những đặc điểm chung của những phòng khám V.I.P là bệnh nhân được lựa chọn bác sĩ. Bệnh nhân gọi điện thoại yêu cầu bác sĩ, hẹn giờ khám. Khi đến khám đúng giờ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho cả bệnh nhân lẫn bệnh viện. Chính vì thế, ở những phòng khám V.I.P,  thời gian chờ đợi được rút ngắn tối đa trong khi thời gian khám của bác sĩ cho mỗi bệnh nhân được kéo dài ít nhất từ 10 đến 15 phút. Đội ngũ bác sĩ trong những phòng khám V.I.P này cũng được lựa chọn kỹ lưỡng.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Phòng khám Chuyên gia ra đời là để phục vụ cho nhu cầu người bệnh, chứ không phải vì mục đích kinh doanh.

Cùng với việc xem bệnh nhân như khách hàng, giá dịch vụ ở những phòng khám này cũng cao rất nhiều lần so với giá của khám bệnh thông thường. Chẳng hạn, phòng khám V.I.P  và phòng khám Chuyên gia có giá 500.000/1 lần khám, cao gấp 10 lần so với giá khám bệnh thông thường theo BHYT.

Phòng khám theo yêu cầu 2 của Nhi đồng 1 có giá 300.000 đồng/lần khám cao gấp 6 lần so với giá thông thường và gấp đôi giá của phòng khám theo yêu cầu 1. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân tỏ ra khá hài lòng vì không phải chịu cảnh chen chúc chờ đợi.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở Kiên Giang cho biết: “Dù giá khám bệnh cao, 500.000 /1 lần khám còn hơn phải ngồi chờ đợi, vật vờ cả ngày ở bệnh viện, mất thời gian, đặc biệt còn được chọn bác sĩ, chuyên gia khám nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn được nhân viên hướng dẫn đi làm xét nghiệm”.

Có thể thấy, việc ra đời những phòng khám V.I.P này đã đáp ứng cho nhu cầu của một bộ phận người dân đã quá chán ngán cảnh chờ đợi, chen chúc gần cả ngày trời để rồi chỉ được 5 phút cho một lần khám bệnh như hiện nay.

Nhưng điều mà dư luận vẫn còn băn khoăn là liệu có hợp lý không khi hầu như các phòng khám V.I.P này đều ra đời ở những bệnh viện đang có tỷ lệ quá tải cao. Trong khi những bệnh nhân chen chúc nhau trong những căn phòng chật chội hay phải nằm hành lang vì không có đủ giường hay phòng thì những phòng khám V.I.P với máy lạnh, khu vực chờ thoải mái liệu có tạo ra sự mất bình đẳng hay không? Bởi lẽ, bệnh viện công lập ra đời là để phục vụ cho số đông bệnh nhân chứ không phải cho một số ít bộ phận dân cư. 

Làm thế nào để dung hòa giữa lợi ích của một bộ phận bệnh nhân và của đa số người bệnh là một vấn đề cần đặt ra ở những bệnh viện công lập có phòng khám V.I.P./.