Bác sỹ Hoàng Mạnh Việt, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết, ở bệnh viện Hải Hậu đang quản lý hàng nghìn người có thẻ bảo hiểm y tế, nếu bệnh nhân vượt tuyến lên BV tỉnh, BV T.Ư thì BV huyện phải xuất quỹ thanh toán những chi phí này cho bệnh nhân. Mà khi đã lên các BV tuyến trên, chi phí khám chữa bệnh tăng 2 - 4 lần so với điều trị tại bệnh viện huyện. Chính vì vậy, vài năm nay, BV huyện Hải Hậu không khống chế tiền thuốc cho bệnh nhân điều trị tại đây để họ hạn chế vượt tuyến, vừa tốn kém, vừa phải chịu cảnh chen chúc do quá tải.
Chen nhau nộp viện phí |
Tuy nhiên, không phải BV tuyến dưới nào cũng “giữ” được bệnh nhân theo cách mà BV Hải Hậu đã làm. Chính vì vậy, nhiều BV tuyến dưới quá vắng vẻ trong khi các BV tuyến trên lại quá tải nghiêm trọng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (KCB) cho rằng, các BV T.Ư bị áp lực tìm kiếm nguồn thu để tự chủ tài chính. Vì thế, bệnh nhân mắc bệnh nhẹ cũng tiếp nhận khám chữa bệnh. Có không ít BV còn duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất để có thể đảm bảo nguồn thu. TS. Khuê ví von, khi bệnh nhân vượt tuyến, tức là “chùm khế ngọt” đã chạy đến BV T.Ư.
>> Bao giờ thu viện phí mới?Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), hiện các BV mới đang xây dựng khung giá để trình UBND các tỉnh, thành. BV tuyến T.Ư cũng đang xây dựng để trình Bộ Y tế, do đó từ thời điểm 15/4 Thông tư 04 có hiệu lực thi hành, nhưng chưa có đơn vị nào áp dụng được. Với diễn biến này, ít nhất trong tháng 5 (ở BV T.Ư) hoặc tháng 6 (BV địa phương), giá viện phí mới sẽ được áp dụng. |
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đây nguồn ngân sách dành cho BV rất thấp, các BV phải tự lo hầu hết chi phí hoạt động trong khi giá dịch vụ thấp khiến không ít BV muốn quá tải để có thêm nguồn thu. Nhưng giờ đã tăng giá dịch vụ, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, ngành y tế, các BV phải quyết liệt phân tuyến kỹ thuật, chuyển tuyến, xây dựng các BV vệ tinh… để giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Dù lãnh đạo Bộ Y tế rất quyết liệt chỉ đạo việc giảm tải và sắp ban hành cả đề án giảm tải bệnh viện, nhưng thực hiện được hay không lại không thể nói trước. Bởi khi viện phí tăng, tức là các BV đang quá tải lại tiếp tục có thêm nguồn thu lớn. Và khi đã có nguồn thu trong tay, liệu BV có “dũng cảm” giảm tải bằng cách hạn chế tiếp nhận bệnh nhân nhẹ ở tuyến dưới, chỉ điều trị bệnh nhân nặng theo đúng hạng BV của mình hay không, vẫn là điều rất khó trả lời./.
BS. Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc BV tỉnh Nam Định: "Trong số quá tải kia, bao nhiêu phần trăm bệnh nhân đáng phải lên tuyến trên, bao nhiêu phần trăm là vấn đề thương mại của bệnh viện? Tôi lấy ví dụ, BV Tim mạch 5 người/giường, tại sao 5 người/giường, có phải can thiệp không?; các BV tỉnh siêu âm có, thuốc men có... Nhưng đó là vấn đề lợi ích nhóm, là thu nhập tăng thêm. Đây là cái vòng luẩn quẩn nếu chúng ta không xử lý được". TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB: “Trong điều kiện kinh tế thị trường, BV phải tự chủ tài chính, phải tự chi trả lương cho đội ngũ..., khiến nhiều BV cố gắng giữ người bệnh, tăng thời gian điều trị; rồi việc tự ý điều trị vẫn được chi trả 30% BHYT, do vậy đã phá vỡ tuyến điều trị, dồn ép bệnh nhân lên tuyến trên”. BS. Tô Thị Mai Hoa,Giám đốc BV Đa khoa Bắc Ninh:“Việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chúng ta hãy để cho người bệnh tự lựa chọn. Nếu tuyến T.ư chi phí đắt gấp 100 lần tuyến cơ sở thì người bệnh sẽ có nhiều lựa chọn hơn và việc giảm tải cũng bớt đi rất nhiều…” BS. Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu:“Để thu hút bệnh nhân, tuyến xã, huyện phải được nâng cấp trang thiết bị tốt để người bệnh đến đấy không chỉ vì tiền thuốc, mà phải được hưởng các kỹ thuật phù hợp, chẩn đoán chính xác. Thứ hai là cần bỏ trần thanh toán, cần cởi mở, thoáng hơn để người nghèo được hưởng chế độ tốt nhất”./. |