Trả lời phỏng vấn báo chí về việc Mặt trận sẽ làm gì trong nhiệm kỳ mới để tăng cường công tác giám sát phản biện, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung phát triển 2011; đặc biệt được thể chế hóa trong Điều 9 Hiến pháp năm 2013.

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy chế về giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.

be_mac_tr_gsff.jpg
Chiều 27/9, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đã kết thúc sau 3 ngày làm việc
Theo ông Nguyễn Văn Pha, trên thực tế, Mặt trận đã chủ động triển khai các quy định trong Văn kiện của Đảng cũng như trong Hiến pháp bằng 5 nội dung về giám sát phản biện. Tuy nhiên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không thể làm một mình, mà với mỗi chương trình giám sát phản biện Mặt trận sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên của mình cùng tham gia, kèm theo đó các cơ quan Nhà nước liên quan cũng cùng tham gia, với mục tiêu để có những nội dung giám sát phản biện thật rõ ràng, đúng pháp luật, kết quả phải thực sự thuyết phục đối với các cơ quan chịu sự giám sát, đối với công luận và đặc biệt đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Pha cũng cho biết, năm 2014 là năm Mặt trận triển khai thí điểm. Từ năm 2015 trở đi, Mặt trận sẽ triển khai công tác giám sát, phản biện ra diện rộng với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm theo sức của mình, để kết quả thiết thực, tránh hình thức.

Chia sẻ thêm với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra một loạt khó khăn khi cơ quan Mặt trận thực hiện giám sát. Chủ tịch Mặt trận cho rằng giám sát là phải xuống thực tế ở cơ sở xem người ta làm gì, làm như thế nào, và làm có đúng luật hay không. Tuy nhiên quy định hiện nay không buộc cơ sở chịu sự giám sát phải trả lời câu hỏi của Mặt trận, mà như thế cơ quan Mặt trận sẽ không được trả lời, không được cung cấp số liệu thì không thể giám sát được.

Khó khăn thứ hai đó là vấn đề chuyên môn. Mặt trận giám sát không có chuyên môn thì kết luận đưa ra không có tính thuyết phục.

“Bước đầu giải quyết những khó khăn trên, chúng tôi xác định phải có các cơ quan thành viên đi cùng trong quá trình giám sát: lĩnh vực nông nghiệp mời Hội Nông dân; lĩnh vực y tế mời Tổng Hội Y học; vấn đề bảo hiểm cho người lao động có Tổng Liên đoàn Lao động. Và trong thời gian tới, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng Mặt trận để giám sát vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo ở các cấp. Chúng tôi tạm gọi họ là “Luật gia Mặt trận”, họ sẽ cùng với cán bộ Mặt trận đi giám sát”, Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

“Chúng tôi vẫn xác định tùy theo sức mình để thực hiện việc giám sát. Được nhân dân tin tưởng, yêu cầu nhưng năng lực của chúng tôi có hạn nên chúng tôi sẽ cụ thể hóa từng bước một”, ông Nhân bày tỏ./.